Theo quy định của Điều 66, Thông tư 200/2014/TT-BTC, vốn chủ sở hữu được định nghĩa là phần tài sản thuần của doanh nghiệp còn lại thuộc sở hữu của các cổ đông, thành viên góp vốn (chủ sở hữu).
Vốn chủ sở hữu được phản ánh theo từng nguồn hình thành như:
– Vốn góp của chủ sở hữu;
– Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh;
– Chênh lệch đánh giá lại tài sản.
Xem thêm:
Dịch thành lập Doanh nghiệp
Dịch vụ chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân
Tư vấn thay đổi địa điểm kinh doanh
Vốn chủ sở hữu trong Doanh nghiệp
KIỂM TRA VỐN CHỦ SỞ HỮU TRONG DOANH NGHIỆP – TẠI SAO CẦN?
Thông thường khi một cá nhân hay tổ chức đăng ký thành lập doanh nghiệp, họ sẽ đăng ký số vốn sẽ góp vào Doanh nghiệp – ta gọi là vốn cam kết. Vì là vốn sẽ góp (vốn cam kết góp), nên pháp luật cho 1 khoản thời gian để thực hiện và hoàn thành nghĩa vụ thực góp vốn vào Doanh nghiệp.
Khoảng thời gian đó gọi là “thời hạn góp vốn“, theo Luật doanh nghiệp quy định là không quá 3 tháng. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều doanh nghiệp sau khi đăng ký vốn góp xong, các thành viên hoặc cổ đông không thực hiện hoặc thực hiện nhưng không đầy đủ phần vốn mà mình đã cam kết góp, nhưng hồ sơ tài chính vẫn thể hiện là góp đủ vốn chủ sở hữu.
Điều này một mặt làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động và giá trị của Doanh nghiệp; Mặt khác cũng làm những nhà đầu tư, những chủ nợ đánh giá sai về giá trị và năng lực tài chính của Doanh nghiệp đó.
Do vậy, với tư cách là một nhà quản lý trong Doanh nghiệp, chủ nợ hoặc một người đang xem xét đầu tư hay mua lại Doanh nghiệp, Họ cần kiểm tra nguồn vốn chủ sở hữu trong tài liệu kế toán.
KIỂM TRA VỐN CHỦ SỞ HỮU TRONG DOANH NGHIỆP NHƯ THẾ NÀO?
Theo quy định của khoản 2, Điều 66, Thông tư 200/2014/TT-BTC, kế toán khi ghi nhận vốn chủ sở hữu, không ghi nhận vốn góp theo vốn điều lệ trên giấy phép đăng ký kinh doanh, tuyệt đối không ghi nhận theo số cam kết sẽ góp của các chủ sở hữu.
Khoản vốn góp huy động, nhận từ các chủ sở hữu luôn được ghi nhận theo số thực góp và phản ánh vào tài khoản 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
Tài khoản 411 có 04 tài khoản cấp hai gồm:
– TK 4111- Vốn góp của chủ sở hữu: Tài khoản này phản ánh khoản vốn thực đã đầu tư của chủ sở hữu theo Điều lệ công ty của các chủ sở hữu vốn. Đối với các công ty cổ phần thì vốn góp từ phát hành cổ phiếu được ghi vào tài khoản này theo mệnh giá.
– TK 4112- Thặng dư vốn cổ phần: Tài khoản này phản ánh phần chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh giá cổ phiếu; Chênh lệch giữa giá mua lại cổ phiếu quỹ và giá tái phát hành cổ phiếu quỹ (đối với các công ty cổ phần). Tài khoản này có thể có số dư Có hoặc số dư Nợ
– TK 4113- Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu: Tài khoản này chỉ sử dụng tại bên phát hành trái phiếu chuyển đổi, dùng để phản ánh cấu phần vốn (quyền chọn cổ phiếu) của trái phiếu chuyển đổi tại thời điểm báo cáo.
– TK 4118- Vốn khác: Tài khoản này phản ánh số vốn kinh doanh được hình thành do bổ sung từ kết quả hoạt động kinh doanh hoặc do được tặng, biếu, tài trợ, đánh giá lại tài sản (nếu các khoản này được phép ghi tăng, giảm Vốn đầu tư của chủ sở hữu).
Trong trường hợp, để kiểm tra việc góp vốn của chủ sở hữu, ta cần quan tâm đến tài khoản 4111 – vốn góp của chủ sở hữu.
Nếu tài khoản 4111 phản ánh có tiền và số tiền đủ với số vốn các chủ sở hữu cam kết góp, thì được coi là hoàn thành việc góp vốn theo luật định. Ngược lại tức là chưa hoàn thành nghĩa vụ góp vốn.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp kế toán theo yêu cầu của chủ sở hữu, cố tình hạch toán khống số tiền góp vốn cho chủ doanh nghiệp. Khi đó cần phải kiểm tra lại chứng từ của việc góp vốn. Cụ thể:
Khi thực nhận vốn góp của các chủ sở hữu vào thời điểm ban đầu sau thành lập Doanh nghiệp, kế toán sẽ:
Ghi nợ:
Các TK 111, 112 (nếu nhận vốn góp bằng tiền)
Các TK 121, 128, 228 (nếu nhận vốn góp bằng cổ phiếu, trái phiếu, các khoản đầu tư vào doanh nghiệp khác)
Các TK 152, 155, 156 (nếu nhận vốn góp bằng hàng tồn kho)
Các TK 211, 213, 217, 241 (nếu nhận vốn góp bằng TSCĐ, BĐSĐT)
Các TK 331, 338, 341 (nếu chuyển vay, nợ phải trả thành vốn góp)
Các TK 4112, 4118 (chênh lệch giữa giá trị tài sản, nợ phải trả được chuyển thành vốn nhỏ hơn giá trị phần vốn được tính là vốn góp của chủ sở hữu).
Ghi có:
TK 4111– Vốn góp của chủ sở hữu
Khi đó, để phát hiện vi phạm, ta cần đánh giá diễn biến lưu chuyển dòng tiền trong các tài khoản ghi nợ ở trên được thể hiện qua các chứng từ kế toán (nếu có).
Ví dụ:
Chủ sở hữu góp vốn bằng tiền mặt, tài khoản 111 có nảy số, nhưng không có tài liệu thể hiện số tiền góp vốn chi tiêu vào việc gì; kiểm quỹ tiền mặt trong công ty không có đủ số tiền góp vốn, tài khoản ngân hàng Doanh nghiệp cũng không có đủ. Như vậy có thể nghi ngờ việc hạch toán của kế toán chỉ là khống, không có thật.
Hoặc đúng chủ sở hữu có góp vốn bằng tiền mặt vào Doanh nghiệp thật, nhưng lại không có chứng từ ghi nhận hoặc ghi nhận không đủ. Khi đó cần bổ sung cho phù hợp với thực tế.
lưu ý: Mỗi một tài khoản ghi nợ sẽ có những chứng từ ghi nhận khác nhau. Việc phân tích chứng từ sẽ viết ở bài sau.
Trên đây là một số nội dung hướng dẫn các kiểm tra việc góp vốn của các chủ sở hữu trong Doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn bạn đã dành thời gian cho trang.