Trong một số trường hợp Chủ đầu tư với Nhà thầu phát sinh tranh chấp về hợp đồng, nên Nhà thầu không phối hợp trong việc lập hồ sơ quyết toán hoặc cũng có trường hợp Nhà thầu thực hiện xong công việc nhưng bỏ dở việc thực hiện hồ sơ quyết toán cho Chủ đầu tư. Để giải quyết tranh chấp, hai bên bắt buộc phải đưa vụ việc tới Cơ quan Tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật. Nhưng do thời gian tố tụng dự kiến kéo dài, nên việc chậm trễ xác định giá trị đầu tư của một hạng mục sẽ gây chậm chễ tới việc nghiệm thu thanh quyết toán giá trị của cả công trình.
Đọc thêm:
– Việc ủy quyền giữa các Nhà thầu liên danh
– Áp dụng Luật đấu thầu khi nào
– Năng lực hoạt động trong lĩnh vực xây dựng
Vì vậy, Chủ đầu tư thường có nhu cầu được đơn phương xác định giá trị hạng mục công trình, khi không có hồ sơ quyết toán do Nhà thầu cung cấp. Về việc này, Doanh nghiệp có thể tham khảo một số nội dung sau:
Công trình dở dang không có giá trị sử dụng
- Trường hợp Hạng mục công trình do Nhà thầu thi công chưa được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, nên được xác định là công trình xây dựng dở dang. Nên trước khi đi xác định giá trị của hạng mục công trình, Đơn vị cần xác định khả năng đưa vào sử dụng của công trình dở dang.
- Nếu hạng mục công trình không có giá trị sử dụng, buộc phải đập bỏ và mời Nhà thầu khác (Bên thứ 3) thực hiện lại toàn bộ, thì giá trị đầu tư xây dựng của hạng mục công trình sẽ căn cứ trên hồ sơ quyết toán với Bên thứ 3 được mời thay thế (nội dung này phải có thỏa thuận trong Hợp đồng ban đầu với Nhà thầu thi công đã bỏ dở dang).
Công trình có giá trị sử dụng, nhưng tranh chấp giá trị quyết toán
Trường hợp hạng mục công trình có giá trị sử dụng, nhưng các bên có tranh chấp không thể quyết toán được giá trị và đơn vị không có hồ sơ số liệu để tính toán giá trị công trình.
- Theo quy định của điểm d, khoản 1 Điều 4[1], Thông tư 45/2013/TT-BTC về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định, Đơn vị có quyền chủ động xác định và hạch toán nguyên giá tài sản cố định (hạng mục công trình xây dựng do Nhà thầu thực hiện) theo giá tạm tính và sẽ điều chỉnh sau khi quyết toán công trình.
- Theo quy định của điểm d, khoản 1, Điều 46[2], Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về chế độ kế toán trong Doanh nghiệp, giá tạm tính phải căn cứ vào chi phí thực tế đã bỏ ra để có được TSCĐ. Áp dụng đối với công trình xây dựng, chi phí đầu tư xây dựng được tính trên khối lượng xây dựng của công trình.
- Và khối lượng công trình được xác định khi tiến hành đo bóc khối lượng xây dựng bằng cách đo, đếm, tính toán, kiểm tra trên cơ sở kích thước, số lượng quy định trong bản vẽ thiết kế (thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công), thuyết minh thiết kế hoặc từ yêu cầu triển khai dự án và thi công xây dựng, các chỉ dẫn có liên quan và các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng Việt Nam. (Đơn vị có thể tham khảo chi tiết tại Quyết định 451/QĐ-BXD[3] ngày 23 tháng 5 năm 2017 của Bộ Xây dựng về đo bóc khối lượng xây dựng công trình).
- Trường hợp cần chốt giá trị quyết toán ngay để Cơ quan Nhà nước phê duyệt quyết toán Dự án, thì Chủ đầu tư có thể tham khảo và vận dụng quy định của Thông tư 64/2018/TT-BTC về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước, cụ thể[4]:
- Chủ đầu tư có văn bản yêu cầu nhà thầu, cá nhân, tổ chức thực hiện quyết toán hợp đồng hoặc bổ sung hoàn thiện hồ sơ, tài liệu quyết toán hợp đồng hoặc hoàn thành các nội dung công việc để quyết toán dự án kèm theo thời hạn thực hiện, gửi 03 lần (mỗi văn bản cách nhau 10 ngày).
- Nhà thầu vẫn không thực hiện các nội dung theo yêu cầu; chủ đầu tư được căn cứ những hồ sơ thực tế đã thực hiện để lập hồ sơ quyết toán.
- Thuê kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán (nếu có), xác định giá trị đề nghị quyết toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và ghi rõ nội dung về việc nhà thầu, cá nhân, tổ chức không hợp tác để quyết toán dự án hoặc thực hiện các nội dung công việc để hoàn thành quyết toán dự án trong Tờ trình đề nghị phê duyệt quyết toán của chủ đầu tư.
Chủ đầu tư được quyết toán đơn phương khi Nhà thầu bỏ dở công trình
Đơn vị có thể tự tiến hành lại việc đo bóc khối lượng đã thi công của Nhà thầu trên thực địa, từ đó chủ động xây dựng lên giá trị tạm tính của Hạng mục công trình (trong thời gian chờ đợi việc giải quyết theo thủ tục Tố tụng).
Tuy nhiên, để thêm phần khách quan và củng cố thêm tài liệu chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp về giá trị công trình thi công với Nhà thầu tại Tòa án, Đơn vị nên chủ động thuê 01 tổ chức có năng lực để tiến hành thẩm định giá độc lập, tuân theo những tiêu chuẩn về thẩm định giá.
Trường hợp chủ đầu tư cần thực hiện thủ tục quyết toán, chốt giá trị đề nghị Cơ quan Nhà nước phê duyệt thì có thể thuê tổ chức kiểm toán độc lập đối với hạng mục công trình bỏ dở của Nhà thầu.
_______________________________________
[1] Điều 4. Xác định nguyên giá của tài sản cố định:
- Xác định nguyên giá tài sản cố định hữu hình:
- d) Nguyên giá tài sản cố định hữu hình do đầu tư xây dựng:
Nguyên giá TSCĐ do đầu tư xây dựng cơ bản hình thành theo phương thức giao thầu là giá quyết toán công trình xây dựng theo quy định tại Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành cộng (+) lệ phí trước bạ, các chi phí liên quan trực tiếp khác. Trường hợp TSCĐ do đầu tư xây dựng đã đưa vào sử dụng nhưng chưa thực hiện quyết toán thì doanh nghiệp hạch toán nguyên giá theo giá tạm tính và điều chỉnh sau khi quyết toán công trình hoàn thành.
[2] Điều 46. Tài khoản 241 – Xây dựng cơ bản dở dang
- Nguyên tắc kế toán
- d) Trường hợp dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng quyết toán dự án chưa được duyệt thì doanh nghiệp ghi tăng nguyên giá TSCĐ theo giá tạm tính (giá tạm tính phải căn cứ vào chi phí thực tế đã bỏ ra để có được TSCĐ) để trích khấu hao, nhưng sau đó phải điều chỉnh theo giá quyết toán được phê duyệt.
[3] Đo bóc khối lượng xây dựng công trình, hạng mục công trình là việc xác định khối lượng cụ thể được thực hiện theo phương thức đo, đếm, tính toán, kiểm tra trên cơ sở kích thước, số lượng quy định trong bản vẽ thiết kế (thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công), thuyết minh thiết kế hoặc từ yêu cầu triển khai dự án và thi công xây dựng, các chỉ dẫn có liên quan và các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng Việt Nam.
[4] 4. Trường hợp nhà thầu không thực hiện quyết toán hợp đồng theo quy định hoặc cá nhân, tổ chức không thực hiện các nội dung công việc để hoàn thành quyết toán dự án, chủ đầu tư có văn bản yêu cầu nhà thầu, cá nhân, tổ chức thực hiện quyết toán hợp đồng hoặc bổ sung hoàn thiện hồ sơ, tài liệu quyết toán hợp đồng hoặc hoàn thành các nội dung công việc để quyết toán dự án kèm theo thời hạn thực hiện (theo Mẫu số 14/QTDA). Sau khi chủ đầu tư đã gửi văn bản lần thứ 03 (mỗi văn bản cách nhau 10 ngày) đến nhà thầu, cá nhân, tổ chức, nhưng nhà thầu, cá nhân, tổ chức vẫn không thực hiện các nội dung theo yêu cầu; chủ đầu tư được căn cứ những hồ sơ thực tế đã thực hiện để lập hồ sơ quyết toán (không cần bao gồm quyết toán A-B), thuê kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán (nếu có), xác định giá trị đề nghị quyết toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và ghi rõ nội dung về việc nhà thầu, cá nhân, tổ chức không hợp tác để quyết toán dự án hoặc thực hiện các nội dung công việc để hoàn thành quyết toán dự án trong Tờ trình đề nghị phê duyệt quyết toán của chủ đầu tư. Nhà thầu, cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện dự án chịu hoàn toàn các tổn thất, thiệt hại (nếu có) và có trách nhiệm chấp hành quyết định phê duyệt quyết toán dự án của cấp có thẩm quyền.