Thẩm vấn là kỹ năng không thể thiếu của người Luật sư trong quá trình hành nghề, tham gia tố tụng tại Tòa án. Việc thẩm vấn trực tiếp của luật sư trong phiên tòa giúp xác định sự thật trong lời khai của những người liên quan hoặc hoặc để xác định nhưng sai lầm, lệch lạc, ngộ nhận pháp lý trong nhận thức của thân chủ.
Tại các nước theo truyền thống Thông Luật (Common Law), kỹ năng thẩm vấn được nghiên cứu, xây dựng và phát triển thành một chuyên đề với tên gọi: Thẩm vấn chéo (Cross Examination). Theo đó, việc thẩm vấn tại tòa được thực hiện chủ yếu bởi người luật sư của mỗi bên theo trình tự:
Tại các nước theo truyền thống Thông Luật (Common Law), kỹ năng thẩm vấn được nghiên cứu, xây dựng và phát triển thành một chuyên đề với tên gọi: Thẩm vấn chéo (Cross Examination). Theo đó, việc thẩm vấn tại tòa được thực hiện chủ yếu bởi người luật sư của mỗi bên theo trình tự:
- Bước 1: Thẩm vấn thẳng (Direct Examination) – đặt câu hỏi cho nhân chứng của mình để họ trình bày rành mạch theo trình tự và có lợi cho bên mình;
- Bước 2: Thẩm vấn chéo (Cross Examination) – luật sư của bên đối lập đặt câu hỏi cho chính người vừa trình bày với mục đich để cật vấn, thách thức, bắt bẻ, và bộc lộ ra các khuyết điểm trong lời khai của họ;
- Bước 3: Tái thẩm vấn (Re-examination) – quay lại cho phép luật sư của bên đang trình bày chứng cứ đặt câu hỏi cho nhân chứng vừa bị thẩm vấn chéo để làm rõ lại một số vấn đề có thể gây hiểu lầm, cũng như cho phép nhân chứng phần nào ‘sửa chữa’ các sai lầm đã có trong phần thẩm vấn chéo.
Tại Việt Nam, khái niệm thẩm vấn ít được sử dụng mà được thay thế bởi việc hỏi cung trong tố tụng hình sự và phần hỏi công khai trong tố tụng hành chính hoặc dân sự. Thêm nữa, việc lấy lời khai trong hoạt động tố tụng tại Việt Nam được thực hiện không chỉ được thực hiện bởi duy nhất người Luật sư, mà còn nhiều người khác như: Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát, Điều tra viên, các bên đương sự v.v.
Xét về nội dung, quá trình hỏi trong thủ tục tố tụng Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều bởi những nội dung đã được ghi nhận trong hồ sơ vụ án. Các nội dung ngoài hồ sơ vụ án phần nhiều sẽ không được xem xét. Và thông thường sẽ được chia thành 02 nội dung;
· Hỏi xác nhận lại những nội dung tình tiết thừa nhận trong hồ sơ vụ án.
· Hỏi làm rõ những nội dung tình tiết chưa rõ, chưa thừa nhận.
Xét về trình tự trước đây, việc hỏi trong tố tụng Việt Nam đặt nặng tính quyền lực nhà nước lên trên nhất, khi thứ tự những người có quyền hỏi được sắp xếp: Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát, Luật sư, đương sự. (giữa Kiểm sát với Luật sư, đương sự có thể thay đổi trong thủ tục dân sự và hành chính).
Hiện nay, trong thủ tục tố tụng dân sự 2015, nước ta đã trả lại việc hỏi cho Luật sư và các đương sự bằng việc ưu tiên quyền hỏi cho họ. Chủ tọa, hội thẩm và kiểm sát chỉ hỏi sau khi họ thực hiện quyền hỏi của mình.
Tuy vậy, đối với các Luật sư có kinh nghiệm, đều xác định phần hỏi (hay thẩm vấn) sẽ là nơi cho phép các luật sư của “đấu tay đôi” với nhau hoặc với vị công tố trong việc tìm ra cách phản bác và làm giảm mức độ đáng tin cậy của quan điểm bên đối tụng. Do vậy, người luật sư phải chuẩn bị kỹ càng nhưng đồng thời cũng phải biết nhanh nhạy ứng biến hợp lý tùy theo phản ứng của nhân chứng và của luật sư phía đối lập.
Vậy câu hỏi làm thế nào để qua việc thẩm vấn phát hiện ra tính gian dối của người bị thẩm vấn??.
Trong cuốn sách “Nghệ Thuật Thẩm Vấn Chéo” (The Art of Cross-Examination) xuất bản năm 1903 của luật sư Francis Lewis Wellman, Wellman tập hợp lại những mẩu chuyện nghề, những tình huống thẩm vấn chéo thú vị trong lịch sử tòa án Mỹ để làm minh họa cho các chỉ dẫn của ông về việc thực hành thẩm vấn chéo như một nghệ thuật của người luật sư trong phòng xử án.
—
Trích đoạn “Nghệ Thuật Thẩm Vấn Chéo”
(The Art of Cross-Examination) – Francis Lewis Wellman
(The Macmillan Company xuất bản năm 1919) (Dịch từ trang Archive.org)
“… Các nhân chứng có trí thông minh thấp thì khi họ đưa ra lời khai man trá họ thường thể hiện điều đó qua một số thứ sau: trong giọng nói, trong cái nhìn trống rỗng của đôi mắt, trong sự bồn chồn không yên trong ghế nhân chứng, trong việc họ nỗ lực tìm ra cách diễn tả đúng câu chuyện của họ, và đặc biệt là trong cách mà ngôn ngữ họ sử dụng không thật sự là ngôn ngữ đời thường của họ.
Mặt khác, có một thứ gì đó trong phong thái của một nhân chứng trung thực nhưng sai sót thành thực, một thứ thể hiện ngay cho một người luật sư kinh nghiệm thấy rằng người nhân chứng chỉ đang tường thuật lại đúng những gì họ đã thấy đã nghe. Biểu hiện khuôn mặt của một người nhân chứng như thế thay đổi tùy theo diễn biến vụ việc hiện lên trong trí nhớ người đó; người đó luôn nhìn thẳng vào mặt luật sư với đôi mắt sáng lên trong mỗi hồi tưởng về tình tiết của vụ việc; người đó sử dụng những cử chỉ tự nhiên thường có trong cuộc sống của anh ta và thể hiện những cử chỉ đó phù hợp với tình tiết vụ việc anh ta đang tường thuật, và anh ta kể câu chuyện bằng chính ngôn ngữ bình thường của mình.
Nếu phong thái và ngôn ngữ của lời khai nhân chứng mang tất cả các dấu ấn của sự ngụy tạo, sẽ rất có ích nếu ngay trong câu hỏi đầu tiên của mình bạn yêu cầu nhân chứng tường thuật lại toàn bộ câu chuyện. Thông thường người nhân chứng đó sẽ lập lại câu chuyện dùng y nguyên những ngôn từ đã được dùng trước đó, cho thấy người nhân chứng đó đã học thuộc lòng câu chuyện phải kể. Dĩ nhiên cũng có khả năng, nhưng không nhiều lắm, rằng người nhân chứng đó chỉ đơn giản là nhớ câu chuyện của mình và đang kể sự thật.
Hãy thử thách anh ta bằng cách đặt câu hỏi về phần giữa của câu chuyện, rồi bất ngờ quay lại đặt câu hỏi về phần đầu câu chuyện trước khi đặt câu hỏi về phần cuối. Nếu anh ta chỉ đang kể thuộc lòng lại câu chuyện thì chắc chắn anh ta sẽ bị phương pháp này khuất phục bởi vì anh ta không có dữ kiện thực tế gắn liền với câu chuyện của mình; anh ta chỉ có thể nhớ toàn bộ câu chuyện chứ không thể nhớ từng phần riêng biệt của nó.
Hãy thu hút sự chú ý của người nhân chứng vào những dữ kiện không liên quan đến mạch chính của câu chuyện mà anh ta kể. Anh ta sẽ hoàn toàn không chuẩn bị cho những tra vấn quá mới và buộc phải vận dụng trí tưởng tượng để trả lời. Ngay khi đó đánh lạc hướng anh ta bằng cách đặt câu hỏi về phần khác trong câu chuyện rồi bất ngờ, khi anh ta đang tập trung vào phần khác đó, quay lại những dữ kiện không liên quan bạn đã hỏi ban đầu và lập lại những câu hỏi của bạn lần nữa.
Người nhân chứng sẽ buộc lại phải dùng tới trí tưởng tượng và nhiều khả năng sẽ đưa ra những câu trả lời khác lần trả lời đầu tiên và như thế bạn đã đưa anh ta vào rọ. Anh ta không thể cùng lúc chế ra câu trả lời nhanh như bạn chế ra câu hỏi mà vẫn nhớ chính xác anh ta đã chế ra gì đầu tiên; anh ta khó mà có thể giữ cho các câu trả lời thống nhất từ đầu đến cuối. Người nhân chứng sẽ rất nhanh chóng trở nên rối rắm và từ lúc đó sẽ hoàn toàn chịu kiểm soát của bạn. Tha cho anh ta ngay sau khi bạn đã làm rõ là anh ta đang nói dối chứ không hề chỉ là lầm lẫn.
Một ví dụ thú vị của một người nhân chứng như trên được thuật lại trong tạp chí Green Bag số tháng 11 năm 1891 về một phiên thẩm vấn chéo của luật sư Jeremiah Mason [một luật sư tranh tụng kỳ cựu].
“Người nhân chứng trước đó khai trước tòa rằng anh ta đã nghe thấy thân chủ của Mason nói điều gì đó và lời nói này chính là bằng chứng cho cáo buộc của bên chống lại thân chủ của Mason. Ngài Mason yêu cầu nhân chứng tường thuật lại câu chuyện và người đó lần nữa lại thuật lại câu chuyện không sót một chữ. Thế rồi, một cách bất ngờ, Mason bước tới bục nhân chứng, chỉ tay thẳng vào anh ta và nói to với cái giọng sang sảng của ông: “Anh đưa tôi xem mảnh giấy anh để trong túi áo gi lê của anh nào!”. Bị hoàn toàn bất ngờ, người nhân chứng máy móc đưa tay vào áo rút ra một mảnh giấy và đưa cho ngài Mason. Mason chậm rãi đọc lại nguyên văn từng chữ trong mảnh giấy vốn chính là nội dung lời khai của người nhân chứng, rồi ông lên tiếng thu hút sự chú ý của toàn bộ phòng xử án vào một chi tiết đó là chữ viết trên mảnh giấy chính là nét chữ viết tay của người luật sư phía bên kia.
“Ủa ông Mason, làm thế quái nào mà ông biết có mảnh giấy ở đó?” Một đồng nghiệp hỏi Mason sau vụ việc. “Ừ thì,” Mason trả lời, “Tôi để ý thấy anh ta có thói quen đặt tay lên túi áo gi lê khi anh ta thuật lại lời khai của mình và chỉ buông xuôi tay xuống mỗi khi hoàn thành tường thuật.””…
… Nếu như những lời khai man trá trong các tòa án của chúng ta chỉ là do những nhân chứng thiếu hiểu biết thì công việc thẩm vấn chéo sẽ trở nên tương đối đơn giản hơn nhiều, nhưng thật tiếc cho sự nghiệp vì lẽ phải và công lý rằng đó hoàn toàn không phải là thực tế. Rõ ràng càng ngày càng có nhiều hành vi cố ý khai man (perjury) và hiện nay hiếm có vụ nào mà không có một hành vi cố ý khai man trắng trợn diễn ra.
Không có gì trong một phiên tòa đủ khả năng phát hiện việc cố ý khai man của một nhân chứng vốn đủ thông minh để che dấu sự gian manh của hắn. Có nhiều biện pháp để cố gắng bộc lộ sự dối trá nhưng không có một nguyên tắc thống nhất về cách hành xử phù hợp với một nhân chứng như thế. Mọi thứ tùy thuộc vào bản thân cá nhân người mà bạn đang muốn vạch mặt.
Trong phần lớn các vụ việc, khả năng thành công có thể được nâng cao rất lớn bằng việc không cho phép nhân chứng phát hiện ra rằng bạn đang nghi ngờ hắn trong một quá trình mà bạn dẫn dắt hắn tới việc khai ra một số chi tiết mà bạn có lý do để có thể cật vấn hắn về sau.
Hai người thẩm vấn chéo nổi tiếng của Luật sư đoàn Ireland là pháp quan Sullivan, sau này là Chánh tòa phúc thẩm nhánh dân sự của Ireland, và pháp quan Armstrong. Tác giả Barry O’Brien trong cuốn sách “Cuộc đời của Thượng nghị viên Russell” đã miêu tả lại phương pháp thẩm vấn chéo của hai vị pháp quan này.
“Sullivan,” O’Brien kể, “tiếp cận nhân chứng theo một cách khá thân thiện, tỏ ra vẻ là một người tìm hiểu vấn đề một cách vô tư không thiên vị chỉ muốn tìm thêm thông tin, tỏ ra ngạc nhiên trước những gì nhân chứng nói, tỏ ra có lòng biết ơn dành cho những sáng tỏ mà lời khai của nhân chứng đem lại cho vụ việc. ‘Ồ dĩ nhiên là thế rồi! Ừ thì ngài đã nói khá nhiều rồi sao ngài không giúp chúng tôi thêm chút nữa đi. Chu choa, thưa quý tòa, người đàn ông này thật thông minh.’ Cứ thế Sullivan thao túng nhân chứng với sự cẩn trọng và khéo léo, thu hút người nhân chứng một cách kín đáo, hoàn toàn dấu không cho người đó biết hướng tấn công thật sự của ông ta. Vị ‘pháp quan nhỏ con’ đợi đến khi người nhân chứng chui vào tròng rồi mới chồm vào anh ta và lắc anh ta như thể một chú chó săn lắc một con chuột.”
“Vị ‘pháp quan bự con’ (Armstrong) thì dùng nhiều khiếu hài hước và sự mạnh bạo hơn, nhưng ít khéo léo và mưu mẹo hơn. Vũ khí lớn nhất của ông ta là sự giễu cợt. Ông ta sẽ cười vào mũi nhân chứng và làm tất cả mọi người cười theo. Nhân chứng sẽ trở nên bối rối và nóng giận, đó là lúc Armstrong sẽ tẩn người nhân chứng như một tay đấm vô địch trên sàn đấm.”…
… Trong một số vụ việc, sẽ là rất khôn ngoan nếu bạn có thể giới hạn bản thân vào một hay hai điểm nổi bật, những điểm mà bạn cảm thấy tự tin nhất rằng bạn có thể làm cho nhân chứng tự mâu thuẫn với bản thân. Việc thẩm vấn chéo rất ít hữu dụng trong các vấn đề mà người nhân chứng quen thuộc. Cách an toàn nhất là tra vấn người nhân chứng trong những vấn đề liên quan đến câu chuyện của người đó mà người đó chưa khai ra trước tòa hay ít khả năng là người đó có chuẩn bị trước.
Một ví dụ đơn giản mang tính giáo dục cao của việc thẩm vấn chéo theo chiều hướng nói trên là một ví dụ do vị thẩm phán J.W.Donovan đưa ra trong cuốn sách “Khôn khéo tại tòa” của ông. Ví dụ này đặc biệt thú vị vì nó xảy ra trong vụ án hình sự đầu tiên mà Abraham Lincoln đảm nhiệm trong vai trò bào chữa cho bị cáo, một người bị tình nghi tội giết người.
“Grayson bị kết tội bắn chết Lockwoood tại một buổi họp trại vào buổi tối. Grayson cũng bị cáo buộc đã chạy khỏi hiện trường, một hành vi được nhìn thấy bởi nhân chứng Sovine. Các bằng chứng buộc tội quá mạnh đến nỗi mặc dù có đạo đức cá nhân tốt trước khi xảy ra vụ việc, Grayson gần như chắc chắn sẽ bị treo cổ sau khi kết án.
Mẹ của Grayson không thuê được luật sư già dặn hơn nên cuối cùng phải thuê chàng luật sư trẻ Abraham Lincoln và phiên tòa nhanh chóng diễn ra. Không có một sự phản bác nào được đưa ra cho bồi thẩm đoàn, không có thẩm vấn chéo nhân chứng nào trừ vị nhân chứng cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, người đã thề rằng anh ta nhìn thấy bị cáo và nạn nhân, thấy bị cáo bắn rồi bỏ chạy và cũng là người đầu tiên tới xác nạn nhân khi nạn nhân chết.
Bằng chứng tội ác và danh tính bị cáo là gần như chắc chắn. Người dân ra tòa xem rất đông, ai cũng quan tâm tới vụ án. Mẹ của bị cáo Grayson bắt đầu lo lắng tự hỏi sao anh chàng Abraham lại im lặng lâu đến thế và tại sao anh ta không làm gì cả!
Cuối cùng mọi người ngồi im và chàng luật sư cao kều (Lincoln) đứng dậy. Anh lặng lẽ nhìn vị nhân chứng, một kẻ mạnh bạo. Không sách vở giấy tờ gì trong tay, Lincoln chậm rãi bắt đầu việc bào chữa của mình bằng một loạt câu hỏi:
Lincoln: Anh có gặp Lockwood ngay trước khi vụ việc xảy ra và đã thấy vụ bắn nhau?
Nhân chứng (NC): Có.
Lincoln: Anh đứng ngay gần bọn họ?
NC: Không, cách khoảng 6 mét.
Lincoln: Không phải cách khoảng 3 mét à?
NC: Không, 6 mét hoặc hơn.
Lincoln: Trên đồng trống?
NC: Không, trong rừng đốn gỗ.
Lincoln: Gỗ gì?
NC: Gỗ sồi.
Lincoln: Lá trên cây dạo tháng 8 này mọc khá dầy?
NC: Cũng khá.
Lincoln: Và anh nghĩ là khẩu súng này là hung khí?
NC: Nhìn giống vậy.
Lincoln: Anh có thể thấy bị cáo bắn – thấy nòng súng nâng lên và mọi thứ sau đó?
NC: Vâng.
Lincoln: Chỗ gây án gần khu họp trại như thế nào?
NC: Cách 1,2 kilômét.
Lincoln: Đèn dầu để chỗ nào?
NC: Chỗ ông mục sư đứng.
Lincoln: Cách chỗ gây án 1,2 kilômét?
NC: Vâng, tôi trả lời hai lần rồi.
Lincoln: Anh có thấy cây nến nào ở đó không, với Lockwood hay là với Grayson?
NC: Không, chúng tôi cầm nến làm gì?
Lincoln: Vậy làm cách nào anh thấy vụ bắn nhau?
NC: Nhờ ánh trăng! (gằn giọng)
Lincoln: Anh thấy vụ bắn nhau lúc mười giờ đêm trong rừng gỗ sồi, cách chỗ có đèn 1,2 kilômét. Anh nhìn thấy nòng súng, thấy người bắn. Anh thấy mọi thứ từ cách 6 mét, dưới ánh trăng? Thấy mọi thứ cách đèn khu cắm trại gần cả dặm?
NC: Vâng, tôi nói thế rồi mà.
Sự chú ý của khán giả lên cao đến mức nhiều người chúi người ra phía trước để có thể nghe từng âm tiết nhỏ nhất. Và vị luật sư rút từ trong túi áo vét ra một cuốn niên giám màu xanh dương – anh từ từ mở cuốn niên giám – yêu cầu tòa chấp nhận nó làm bằng chứng và trưng nó ra cho bồi thẩm đoàn và tòa thấy. Rồi anh ta đọc rành mạch một trang của cuốn niên giám vốn nói rằng mặt trăng trong đêm xảy ra vụ bắn nhau không hiện rõ và chỉ hiện rõ từ một giờ sáng ngày hôm sau.
Sau màn kịch tính đó, Lincoln yêu cầu tòa bắt giữ người nhân chứng đã khai man trước tòa. Anh cáo buộc chính nhân chứng là hung thủ gây án: “Chẳng có gì khác ngoài động cơ thoát tội mới có thể là lý do cho việc hắn ta dám khai man bất chấp tuyên thệ để hại đời một người vốn chẳng hề gây hại gì cho hắn.”.
Sự cáo buộc cương quyết của Lincoln khiến tòa phải ra lệnh bắt giữ nhân chứng Sovine ngay tại chỗ. Quá hoảng sợ, Sovine gục ngã và thú nhận hắn là kẻ bắn chết nạn nhân nhưng phủ nhận rằng hắn cố ý muốn giết người…””.
Những câu truyện trên đây phần nào là hình ảnh tố tụng của các nước theo thể thức thông luật (Anh, Mỹ). Đối với Việt Nam thì sao??
Việc hỏi hay thẩm vấn ở Việt Nam thường tuân thủ theo những quy tắc như sau:
1. Người bị hỏi có thể trực tiếp trả lời, nhờ người trả lời hoặc từ chối trả lời (tùy từng loại án).
2. Chỉ hỏi những gì khai mâu thuẫn hoặc khai chưa rõ trong hồ sơ.
3. Chỉ hỏi những gì trong phạm vi nội dung, tình tiết vụ án.
Do vậy, khi tham gia phần hỏi Luật sư tại Việt Nam sẽ bị bó buộc rất nhiều bởi những gì đã có trong hồ sơ vụ án. Các câu hỏi lại về tình tiết trong vụ án có thể không được trả lời hoặc sẽ bị nhắc nhở về các đặt câu hỏi.
(Bài viết có tham khảo nội dung bài “Thẩm vấn chéo – nghệ thuật phát hiện kẻ dối trá mà luật sư tương lai phải biết” trên trang luatkhoa.org)
Tìm Đọc Thêm: