Năng lực hoạt động trong lĩnh vực xây dựng

Lĩnh vực xây dựng là một lĩnh vực đặc thù, phức tạp bởi tính rủi ro trong quá trình thực hiện. Vì vậy, pháp luật yêu cầu những cá nhân, tổ chức khi tham gia hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đều phải thi sát hạch và được cấp giấy chứng nhận đủ năng lực hoạt động trong lĩnh vực xây dựng (trong luật gọi là chứng chỉ năng lực hoạt động).
Đọc thêm:
Cấp công trình xây dựng
Phân loại dự án đầu tư 

Hậu quả pháp lý khi không đủ điều kiện về năng lực hoạt động

Pháp luật nghiêm cấm các Nhà thầu, thậm chí là các chủ đầu tư tham gia hoạt động xây dựng khi không đủ điều kiện về năng lực (khoản 6 Điều 12, Luật Xây dựng 2014). Do vậy, khi các bên vi phạm sẽ gặp những rủi ro pháp lý bất lợi. Cụ thể như sau:

Đối với Chủ đầu tư:

  • Hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật (vi phạm khoản 6 Điều 12 Luật Xây dựng) theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự và trong trường hợp có tranh chấp xảy ra thì các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận (Điều 131 Bộ luật Dân sự).
  • Bị xử phạt vi phạm hành chính theo hướng dẫn tại Điều 7 Nghị định 139/2017/NĐ-CP với các biện pháp như:
    • Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng;
    • Đình chỉ hoạt động xây dựng;
    • Buộc lập lại kết quả khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế xây dựng công trình trong trường hợp dự án chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng hoặc buộc thực hiện kiểm định chất lượng công trình xây dựng trong trường hợp công trình đã kết thúc thi công hoặc đã nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng;
  • Ngoài ra, đối với một số loại công trình theo Khoản 4 Điều 123 Luật Xây dựng, khi công trình hoàn thành, trước khi đưa vào sử dụng phải được thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu (Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước thực hiện theo phân cấp công trình) trong đó có nội dung kiểm tra năng lực nhà thầu (khoản 9 Mục I Phụ lục III về Danh mục hồ sơ hoàn thành công trình (phần hồ sơ chuẩn bị đầu tư xây dựng và hợp đồng) của Thông tư 26/2016/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 46/2015/NĐ-CP).
  • Nếu nhà thầu không đủ năng lực có thể dẫn tới việc không đáp ứng được danh mục hồ sơ hoàn thành công trình để làm cơ sở cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nêu trên xem xét chấp thuận nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng.

Đối với các Nhà thầu, ngoài việc phải đáp ứng về Chứng chỉ năng lực hoạt động, nhà thầu cần phải xem xét năng lực đáp ứng phù hợp theo loại, cấp công trình thực hiện. Hậu quả pháp lý đối với các nhà thầu khi không đáp ứng đủ điều kiện năng lực tham gia hoạt động xây dựng được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 139/2017/NĐ-CP như sau:

  • Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng; và
  • Đình chỉ hoạt động xây dựng từ 03-06 tháng nếu không đáp ứng điều kiện năng lực hoặc chứng chỉ năng lực hết hạn;
  • Đình chỉ hoạt động xây dựng từ 06-12 tháng nếu không có chứng chỉ năng lực

Do vậy, các Chủ đầu tư, nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng cần quan tâm đến việc xin cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.

Các hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ hoạt động

Đối với nhà thầu là tổ chức: Theo quy định tại khoản 19 Điều 1, Nghị định số 42 và khoản 20 Điều 1, Nghị định số 100, các tổ chức (08 nhóm) khi tham gia hoạt động xây dựng bắt buộc phải có chứng chỉ năng lực hoạt động bao gồm:

  • Lập quy hoạch xây dựng;
  • Khảo sát xây dựng (bao gồm: Khảo sát địa hình; khảo sát địa chất);
  • Thiết kế, thẩm tra thiết kế, bao gồm:
  • Thiết kế kiến trúc;
  • Thiết kế kết cấu (dân dụng – công nghiệp);
  • Thiết kế cơ – điện (MEP);
  • Thiết kế cấp – thoát nước công trình;
  • Thiết kế xây dựng công trình giao thông;
  • Thiết kế xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn;
  • Thiết kế xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật;
  • Quản lý dự án đầu tư xây dựng;
  • Thi công xây dựng công trình;
  • Giám sát thi công xây dựng công trình;
  • Kiểm định xây dựng;
  • Quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Và để được cấp chứng chỉ trong các hoạt động nêu trên, thì Nhà thầu phải có những nhân sự phù hợp, có chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực xây dựng.
Đối với cá nhân: Khi tham gia hoạt động xây dựng phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc đảm nhận do các cơ sở đào tạo hợp pháp cấp.
Theo Điều 148 Luật Xây dựng, các chức danh (10 chức danh) sau đây khi đảm nhận công việc (hoặc khi hành nghề độc lập) bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề:

  • Chủ trì thiết kế quy hoạch xây dựng;
  • Chủ nhiệm khảo sát xây dựng;
  • Chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng;
  • Giám đốc quản lý dự án;
  • Các cá nhân trực tiếp tham gia quản lý dự án;
  • Chỉ huy trưởng công trường;
  • An toàn lao động;
  • Giám sát thi công xây dựng;
  • Kiểm định xây dựng;
  • Định giá xây dựng.

Đối với Ban quản lý dự án (PMU) trực thuộc Chủ đầu tư: Theo quy định tại Điều 54 Nghị định 59 và khoản 31 Điều 11, Nghị định 100 bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Giám đốc quản lý dự án phải đáp ứng điều kiện năng lực theo quy định bao gồm:
    • Để quản lý các dự án các nhóm: Bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề hạng I và tương ứng với loại dự án được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
    • Để quản lý các dự án nhóm B, C: Bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề hạng II và tương ứng với loại dự án được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
    • Để quản lý các dự án nhóm C hoặc dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật: Bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề hạng III và tương ứng với loại dự án được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
  • Ngoài ra, cá nhân phụ trách các lĩnh vực, chức danh (thuộc nhóm 10 chức danh phải cấp chứng chỉ) thì cũng phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với quy mô dự án, cấp công trình và công việc đảm nhận.

Phân hạng chứng chỉ

Mỗi một nội dung chứng chỉ (cả cho Cá nhân hay tổ chức) đều được phân cấp thành 03 hạng (Hạng I, Hạng II, Hạng III), với phạm vi hoạt động xây dựng của mỗi hạng chứng chỉ là khác nhau theo quy định của pháp luật.

Cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng

  • Đối với cá nhân:
    • Bộ Xây dựng (Cục Quản lý Hoạt động Xây dựng) cấp chứng chỉ hành nghề hạng I.
    • Sở Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề hạng II, hạng III.
    • Tổ chức xã hội – nghề nghiệp đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề hạng II, hạng III cho cá nhân là hội viên, thành viên của mình.
  • Đối với tổ chức:
    • Bộ Xây dựng (Cục Quản lý Hoạt động Xây dựng) cấp chứng chỉ hành nghề hạng I.
    • Sở Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề hạng II, hạng III.

Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ

  • Đối với cá nhân: Hiệu lực tối đa 5 năm.
  • Đối với tổ chức: Hiệu lực tối đa 10 năm.

Điều kiện cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng và phạm vi hoạt động

Nhìn chung, để đáp ứng hạng năng lực, Nhà thầu và cá nhân hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện về:

  • Năng lực chuyên môn và kinh nghiệm công tác ở các Dự án (nhóm A, B,C) và công trình xây dựng (cấp đặc biệt, cấp 1, 2, 3, 4) trước thời điểm lập hồ sơ xin cấp chứng chỉ.
  • Hồ sơ pháp lý chứng minh năng lực chuyên môn và kinh nghiệm công tác.
  • Khả năng huy động nhân lực, vật lực để đáp ứng yêu cầu của hoạt động xây dựng (áp dụng với chứng chỉ của Nhà thầu tổ chức).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Đọc thêm

Cùng chủ đề