Trợ tử – Giúp người tự tử

Trợ tử hay tự tử được trợ giúp (tiếng Anh: assisted suicide) là việc tự sát được cam kết bởi người nào đó với sự trợ giúp từ những người khác. Trợ tử có thể thực hiện với nhiều mục đích nhưng thường ủng hộ với lý do là để chấm dứt sự đau đớn từ một bệnh tật thể lý trầm trọng.

Trợ tử có thể được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp lên người tự tử. Nhưng với hậu quả khách quan là làm chết người, nên người trợ tử nhiều khả năng sẽ bị xem xét ở tội danh giết người. Để phân tích rõ hơn hành vi trợ tử, ta cùng xem xét các vụ án sau:

TRỢ TỬ – MỤC ĐÍCH GIẢI THOÁT

Năm 2007, bác sỹ Jack Kevorkian 79 tuổi được phóng thích khỏi một nhà tù ở Michigan sau tám năm thụ án vì đã tiêm thuốc độc cho các bệnh nhân nan y muốn được chết. Để được ra tù, ông đã hứa không hỗ trợ bất kỳ một bệnh nhân nào tự sát nữa.

Trong những năm 1990, bác sỹ Kevorkian (còn được gọi là bác sỹ tử thần) đã vận động cho Luật trợ giúp tự tử và thực hiện những gì ông rao giảng, giúp 130 người kết liễu cuộc sống của mình. Ông bị buộc tội, đưa ra tòa và bị kết án giết người mức độ 2 chỉ sau khi ông đưa cho chương trình 60 Minutes của đài CBS một đoạn phim quay cảnh ông hành động, tiêm mũi thuốc độc vào một người đàn ông bị chứng tê liệt thần kinh vận động hành hạ.

Trợ tử là hành vi bất hợp pháp ở Michigan (tiêu bang nơi bác sỹ Kevorkian sinh sống) cũng như trong tất cả các tiểu bang khác, ngoại trừ Oregon và Washington. Nhiều quốc gia cấm trợ tử, và chỉ rất ít (nổi tiếng nhất là Hà Lan) chấp nhận hành động này.

Thoạt nhìn, các lỹ lẽ ủng hộ trợ tử có vẻ là một ứng dụng mang tính giáo lý của triết lý chủ nghĩa tự do cá nhân. Đối với người theo chủ nghĩa tự do cá nhân, cấm trợ tử là bất công vì: Nếu cuộc sống của tôi thuộc về chính mình, tôi phải được tự do để kết liễu. Và nếu tôi chấp nhận một thỏa thuận tự nguyện với một ai đó giúp tôi chết, thì chính quyền không có quyền can thiệp.

Nhưng trường hợp cho phép trợ tử không nhất thiết phụ thuộc vào ý tưởng tự sở hữu, hoặc cuộc sống của chúng ta thuộc về chúng ta. Nhiều người ủng hộ trợ tử không sử dụng quyền tự sở hữu, nhưng ủng hộ trên lý lẽ là nhân danh phẩm giá và lòng từ bi. Họ nói rằng bệnh nhân bị bệnh nan y vô cùng đau khổ, thà để họ đi sớm còn hơn bắt họ chịu đựng đau đớn kéo dài.

Ngay cả những người luôn tin chúng ta có nghĩa vụ chung phải bảo vệ mạng sống con người cũng kết luận rằng ở một thời điểm nào đó, ý niệm từ bi lớn hơn bổn phận phải thực hiện. Với bệnh nhân bị bệnh nan y, các lý lẽ của chủ nghĩa tự do cá nhân ủng hộ trợ tử vẫn mắc mứu với lập luận về từ bi.

Để đánh giá ảnh hưởng đạo đức của ý tưởng tự sở hữu, ta hãy xét trường hợp trợ tử không liên quan đến bệnh nhân bị bệnh nan y. Đây là một trường hợp kỳ lạ. Nhưng điều này cho phép chúng ta đánh giá một mình logic của chủ nghĩa tự do cá nhân, mà không bị ý niệm nhân phẩm và từ bi xen vào.

VỤ ÁN: ĐỒNG THUẬN ĂN THỊT NGƯỜI

Năm 2001, có một cuộc gặp gỡ kỳ lạ ở vùng Rotenburg, nước Đức. Bernd – Jurgen Brandes, một kỹ sư phần mềm 43 tuổi, đã trả lời một quảng cáo trên Internet tìm kiếm một người tự nguyện để bị giết và ăn thịt.

Quảng cáo này được đăng bởi Armin Meiwes, một kỹ thuật viên máy tính. Meiwes không treo tiền bồi thường, chỉ quảng cáo là một trải nghiệm. Khoảng hai trăm người đã trả lời quảng cáo này. Bốn người đã đến trang trại của Meiwes để dự phỏng vấn, nhưng quyết định không tham gia.

Nhưng khi gặp và cùng Meiwes nhâm nhi cà phê, Brandes đã đồng ý. Meiwes giết vị khách của mình, xả thịt, bảo quản trong túi nhựa đặt trong ngăn đá tủ lạnh. Đến khi bị bắt, “kẻ ăn thịt người làng Rotenburg” đã chén hơn hai mươi cân thịt của nạn nhân tự nguyện, một số được nấu với dầu ô liu và tỏi.

Khi Meiwes được đưa ra xử, sự khủng khiếp của vụ án cuốn hút công chúng và làm tòa bối rối. Đức không có luật xử việc ăn thịt người. Bên biện hộ cho rằng không thể kết tội giết người bởi vì nạn nhân tự nguyện tham gia vào cái chết của chính mình. Luật sư của Meiwes nghĩa khách hàng của ông chỉ có tội duy nhất là “giết người theo thỉnh nguyện” – một hình thức trợ tử có mức án tối đa năm năm theo luật Đức.

Tòa án đã cố gắng giải quyết vấn đề học búa và kết án Meiwes tội ngộ sát và phát tù tám năm rưỡi. Nhưng hai năm sau, Tòa phúc thẩm bác bỏ, coi án này quá nhẹ và kết án Meiwes chung thân.

Trong đoạn kết kỳ lạ của câu chuyện khủng khiếp, kẻ giết người ăn thịt là người ăn chay trường trong tù, với lý do trồng trọt theo kiểu công nghiệp là vô nhân đạo.

Vụ ăn thịt người giữa những người trưởng thành tự nguyện đặt ra thử thách cuối cùng cho nguyên tắc tự sở hữu của chủ nghĩa tự do cá nhân và các ý tưởng công lý đặt nền táng trên đó. Đó là một dạng trợ tử ở mức cực đoan.

Vì vụ này không có liên quan đến việc làm giảm nỗi đau của bệnh nhân bị bệnh nan y, nó chỉ có thể được biện minh trên căn cứ chúng ta làm chủ cơ thể và cuộc sống của chính mình và có thể làm bất kỳ điều gì mà mình muốn. Nếu mệnh đề này của chủ nghĩa tự do cá nhân là đúng, ngăn cấm việc bị ăn thịt tự nguyện là bất công, vi phạm quyền tự do. Nhà nước không thể trừng phạt Armin Meiwes cũng như không thể đánh thuế Bill Gates và Michael Jordan để giúp đỡ người nghèo.

Ở Việt Nam hiện nay không lý giải rõ ràng lắm về việc trợ giúp người khác tự sát. Theo của Điều 131, Luật hình sự 2015 quy định về “Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát”, thì nhà làm luật Việt Nam chỉ hướng nhiều đến việc giúp đỡ gián tiếp bằng các hành động phi trực tiếp tác động lên người tự sát như: Kích động, dụ dỗ, thúc đẩy hoặc tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần, nhưng người tự tư vẫn phải tự mình chấm dứt cuộc sống của mình.

Trường hợp, người trợ tử tác động trực tiếp làm chấm dứt cuộc sống của người tự tử như 02 vụ án trên, thì nhiều khả năng họ sẽ bị kết tội giết người.

Bài viết lược trích từ sách: Justice, What’s the right thing to do.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Đọc thêm

Cùng chủ đề