Quan điểm bảo vệ là tài liệu ghi nhận ý kiến bảo vệ của Luật sư cho một bên đương sự khi tham gia tố tụng. Việc xây dựng quan điểm bảo vệ giúp Luật sư cụ thể hóa ý kiến, có bản tài liệu để cung cấp tới Cơ quan Tòa án và được lưu trong hồ sơ vụ án. Sau đây là một bài quan điểm trong vụ án tranh chấp đất chồng lấn giữa hai gia đình tại Quảng Ninh.
KÍNH THƯA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ,
Thưa vị đại diện Viện kiểm sát thành phố HL,
Tôi là Luật sư PX.Long – Công ty Luật Hoa Long. Được Tòa án nhân dân thành phố HL chấp thuận cho đăng ký là người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho Bị đơn bà LTC. Căn cứ hồ sơ vụ án, quá trình hỏi công khai tại phiên tòa ngày hôm nay, tôi xin phát biểu quan điểm bảo vệ cho quyền lợi ích của bà LTC như sau:
-
Yêu cầu cầu khởi kiện của Nguyên đơn – ông NTH
- Trong hồ sơ vụ án, Nguyên đơn có 03 đơn khởi kiện: 01 Đơn ký phát hành ngày 09/05/2023 (BL 16) được Tòa án nhân dân thành phố HL thụ lý ban đầu ngày 02/06/2023; 01 đơn sửa đổi bổi sung ký lập ngày 19/09/2023 (BL 138) và sau cùng là 01 đơn khởi kiện bổ sung ngày 21/03/2024 (BL 272).
- Nội dung yêu cầu Tòa án giải quyết cụ thể gồm:
- Buộc bà LTC, chị TMT, anh TNT trả lại phần diện tích 267,5m2 đã lấn chiếm sang phần diện tích đất chúng tôi (ông Hỷ – bà Hương) tại thửa đất số 3, tờ bản đồ số 104 thuộc tổ 6 khu 3, phường VH, thành phố HL, tỉnh Quảng Ninh.
- Đến đơn khởi kiện cuối cùng 21/03/2024 chỉ còn: buộc bà LTC, chị TMT, anh TNT, chị TMT, chị TMT trả lại phần diện tích 281,7m2 đã lấn chiếm sang phần diện tích đất chúng tôi theo đúng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND thành phố HL đã cấp cho chúng tôi.
- Tại phiên tòa ngày hôm nay, Đại diện của Nguyên đơn – ông LPH tiếp tục giữ nguyên yêu cầu khởi kiện nêu trên, không có sửa đổi bổ sung nào khác.
Thưa Hội đồng xét xử, Vị đại diện Viện kiểm sát!
Tại tranh luận ngày hôm nay, với vị trí là Luật sư bảo vệ cho Bị đơn, tôi cũng cố gắng lắng nghe quan điểm bảo vệ cho quyền, lợi ích của Nguyên đơn từ Người đại diện theo ủy quyền – ông LPH.
Nhưng họ không trình bày được bất kỳ một quan điểm lập luận nào, không đánh giá tài liệu chứng cứ trong vụ án, chẳng viện dẫn được quy phạm pháp luật cần áp dụng.
Theo quy định của Điều 24, Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử cần ra quyết định, bản án căn cứ vào quan điểm tranh luận một chiều từ phía Bị đơn chúng tôi và đánh giá sự im lặng của Nguyên đơn tại phần tranh luận ngày hôm nay.

Kính thưa, Hội đồng xét xử, vị đại diện viện kiểm sát,
Nghiên cứu quan điểm của Nguyên đơn trong hồ sơ vụ án, các tài liệu chứng cứ mà Thẩm phán đã thu thập và quan trọng nhất là các quy định pháp luật có liên quan, tôi thấy rằng:
-
Không có “chuyện lấn chiếm đất đai” như cách đặt vấn đề của Nguyên đơn
- Theo cách đặt vấn đề của Nguyên đơn, do nhà bà Cà lấn chiếm diện tích 281,7m2 đất, không chịu trả nên mới kiện đòi ra Tòa, chứ Nguyên đơn rất muốn giữ hòa khí, tình làng nghĩa xóm.
- Thậm chí, Nguyên đơn còn rất “hào phóng” đưa ra phương án chia đôi mỗi nhà một nửa để hai nhà cùng vui vẻ không tranh chấp đất nữa. Nhưng sự thực là gì?
- Khoản 1 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP (thời điểm xảy ra tranh chấp) mô tả:
- Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.
- Khoản 31, Điều 3, Luật đất đai 2024 tiếp tục kế thừa quy định:
- Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.
Như vậy, pháp luật ấn định rõ dấu hiệu nhận biết hành vi lấn chiếm đất là việc chuyển dịch mốc giới hoặc chuyển dịch ranh giới thửa đất trái phép.
- Thực tế của vụ án:
- Gia đình Bị đơn bà Cà trong suốt thời gian sử dụng không có bất kỳ một hành vi thay đổi hiện trạng, ranh giới, mốc giới của thửa đất. Cây trồng trên đất là lâu năm, sinh trưởng tốt – như hình ảnh đã được ghi chụp với màu sắc rõ nét trong vi bằng ở hồ sơ vụ án.
- Cũng như, Hội đồng xét xử đã thấy trong quá trình thẩm định tại chỗ; thẩm định giá cây trồng trên đất tranh chấp.
- Ngược lại, chính gia đình Nguyên đơn – ông NTH mới là người cào phá, thay đổi hiện trạng thửa đất, chủ động xây dựng hàng rào mốc giới (năm 2014).
- Và nếu căn cứ theo ranh giới, mốc giới tại giấy chứng nhận, thì chính gia đình ông Hỷ bà Hương mới là bên chuyển dịch thay đổi mốc giới, ranh giới – chỉ khác là thay vì mở rộng diện tích đất cho mình, họ lại mở rộng cho hàng xóm liền kề.
- Đại diện của UBND thành phố HL, UBND phường VH cũng không có bất kỳ một biên bản, quyết định xử phạt nào về hành vi lấn chiếm. Tại quá trình chuẩn bị xét xử cũng có ý kiến phủ nhận việc lấn chiếm trong vụ án này.
- Và theo quy định của pháp luật, hành vi lấn chiếm đất trái phép (nếu có) phải được xử phạt vi phạm hành chính về đất đai. Người vi phạm bị cưỡng chế khôi phục lại hiện trạng ban đầu của thửa đất.
- Tái phạm có thể bị xử lý Hình sự theo quy định của Điều 228 Bộ luật hình sự về tội danh vi phạm các quy định về sử dụng đất đai.
- Tức không nằm trong thủ tục giải quyết của một vụ án dân sự tại Tòa dân sự.
- Thế nhưng, nội dung đơn khởi kiện, các bản tự khai và quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, Nguyên đơn liên tục đơm đặt, nói sai sự thật và không có căn cứ pháp lý khi mô tả Bị đơn (bà Cà) lấn chiếm đất đai. Đây có thể đơn thuần là sự thiếu hiểu biết của phía Nguyên đơn – ông NTH và cả vị đại diện theo ủy quyền của ông Hỷ là ông LPH. Hoặc, cũng có thể là sự chủ ý, nhằm tô xấu cho hình ảnh lương thiện, tử tế của gia đình Bị đơn – bà LTC.
Tôi đề nghị phía đại diện của Nguyên đơn tranh luận, đối đáp làm rõ vấn đề này.
-
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Nguyên đơn bị sai ranh giới thực tế đã tồn tại hàng chục năm, cần phải thu hồi hủy bỏ.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là tình tiết, sự kiện đương nhiên không cần phải chứng minh theo quy định của Điều 91 Luật tố tụng dân sự.
- Theo quy định của điểm d, khoản 2[1], Điều 152, Luật đất đai 2024, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải thu hồi trong trường hợp cấp không đúng đối tượng; không đúng diện tích, không đủ điều kiện được cấp hoặc không đúng nguồn gốc sử dụng đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận.
- Trong quá trình giải quyết vụ án, Đại diện của Bị đơn – bà TMT đã đơn phản tố yêu cầu Tòa án tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho gia đình ông NTH do không đúng diện tích, ranh giới.
- Tòa thành phố HL đã từ chối thụ lý vì căn cứ vào tiểu mục 1. Phần III nội dung Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 để xác định yêu cầu tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là yêu cầu phản tố và từ chối thụ lý.
- Nội dung này sau đó tiếp tục được Tòa án tỉnh Quảng Ninh đồng tình trong quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của bà Thu.
Nhưng, thưa Hội đồng xét xử – để đảm bảo tính đúng đắn, giá trị tôn nghiêm của văn bản pháp quy, chế độ pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tôi Luật sư Phạm Xuân Long tiếp tục kiến nghị việc xem xét chuyển hồ sơ vụ án tới tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh để thụ lý giải quyết. Bởi lẽ:
- Việc tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến việc loại trừ chấp nhận yêu cầu kiện đòi đất của Nguyên đơn – ông NTH (khi căn cứ duy nhất ông ấy sử dụng là giấy chứng nhận QSDĐ).
- Theo điểm b, khoản 2, Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự: Yêu cầu dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn – là yêu cầu phản tối. Bất kể người dân nào đọc hiểu tiếng việt, sẽ đều cùng suy nghĩ như tôi.
- Và, nội dung điều luật có giá trị cao hơn tất cả các loại công văn hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành. Tòa án không thể viện cớ công văn để bác bỏ giá trị điều khoản của Bộ luật.
- Mặt khác, trong nội dung công văn của Tòa án tối cao không hướng dẫn việc từ chối thụ lý yêu cầu của bà Thu. Cụ thể:
- Tiểu mục 1[2]. Phần III Công văn số 196/TANDTC-PC nêu:
- “Hỏi: Trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đề nghị này có phải là yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập không?
- Đáp: Trong trường hợp này, cần xác định ĐỀ NGHỊ HỦY GIẤY chứng nhận quyền sử dụng đất LÀ YÊU CẦU CỦA ĐƯƠNG SỰ, nhưng không phải là yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập. Khi giải quyết vụ việc dân sự liên quan đến việc hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải được Tòa án xem xét giải quyết trong cùng một vụ việc dân sự theo quy định tại Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự (Thẩm quyền của Tòa theo quyết định cá biệt) – đâu có nói Tòa từ chối thụ lý yêu cầu?.
- Đến Tiểu mục 3[3]. Phần III của cùng Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 cũng ghi:
- Hỏi: “3. Trong vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất HOẶC Tòa án xét thấy cần phải hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thẩm quyền giải quyết như thế nào?”
- Đáp: … Theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao nêu trên thì khi giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất HOẶC Tòa án xét thấy cần phải hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
- Tòa sơ thẩm Tòa nhân dân thành phố HL từ chối thụ lý, từ chối chuyển vụ án đến Tòa cấp tỉnh là trái pháp luật tố tụng dân sự, trái luôn cả nội dung hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao tại Công văn số 196.
Tôi tiếp tục kiến nghị việc chuyển hồ sơ vụ án tới tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh để thụ lý giải quyết theo đúng thẩm quyền.
Quay trở lại việc đánh giá tính đúng đắn của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Hỷ. Thì:
-
-
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nguyên đơn – ông NTH là sai diện tích sử dụng thực tế Là căn cứ đầu tiên để thu hồi theo điểm d, khoản 2[4], Điều 152, Luật đất đai 2024.
- Theo Phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất ngày 17/11/2017 (BL347) – có ông NTH (với tư cách người sử dụng đất ký xác nhận tôi ký tên dưới đây xác nhận thông tin về thửa đất nêu ở phiếu này là đúng với hiện trạng sử dụng đất). Theo đó, diện tích đất ông Hỷ đang sử dụng là 2707,6m2 đất – chênh lệch với diện tích đất trên giấy tờ (2749,7m2 đất) là 42,1m2 đất.
- Tuy nhiên, đến Biên bản xem xét và thẩm định tại chỗ ngày 21/11/2023, phần diện tích đất đang sử dụng của ông Hỷ bỗng nhiên giảm xuống còn 2.575,1 m2 đất – chênh lệch diện tích đất trên giấy tờ (2749,7m2 đất) là 174,6m2 đất.
-
Tại sao lại có sự thay đổi này và sự thay đổi này thể hiện điều gì? Rõ ràng chính gia đình ông Hỷ còn chẳng biết ranh giới, mốc giới đất nhà mình ở đâu và đến đâu.
-
- Theo bà TMT đã có ý kiến rằng gia đình ông Hỷ cố tình khai giảm phần diện tích đất thực tế mà mình đang sử dụng, nhằm giả tạo tình trạng thiếu hụt đất theo giấy chứng nhận.
- Căn cứ vào phiếu xác nhận ngày 17/11/2017 do chính ông Hỷ ký xác nhận (ở thời điểm chưa phát sinh tranh chấp), có thể thấy kiến nghị của bà Thu là có căn cứ.
- Đồng thời, cùng là một thửa đất của một gia đình sử dụng, nhưng đo vẽ ở những thời điểm khác nhau thì cho ra những kết quả khác nhau. Cho thấy có sự sai số trong phương pháp đo vẽ hoặc lời kể của Nguyên đơn.
- Và với chênh lệch lần lượt là (42,1m2 đất) và (174,6m2) theo từng lần đo so với yêu cầu kiện đòi cho phần diện tích 281,7m2 – Cho thấy yêu cầu của Nguyên đơn là không có cơ sở.
- Với diện tích 281,7m2 đang kiện đòi cộng với phần đất đang sử dụng 2749,7m2 đất (theo kết quả đo vẽ năm 2017 – ra tổng diện tích 3031,4 m2) hoặc cộng với diện tích 2.575,1 m2 đang sử dụng theo thẩm định tại tại chỗ của Tòa án – BL197, ra tổng diện tích 2856,8) đều lớn hơn diện tích đất sử dụng của ông Hỷ đã được chứng nhận trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
-
Ông Hỷ không có căn cứ để xác lập quyền sử dụng đất đối với phần diện tích 281,7 m2 đất – là căn cứ thứ 2 để thu hồi Giấy chứng nhận.
- Khoản 3, Điều 4, Điều 49 – Những trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Điều 50 – Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, công đồng dân cư đang sử dụng đất của Luật đất đai 2003 nêu quy định rất rõ: Nhà nước chỉ công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hộ gia đình, cá nhân ĐANG SỬ DỤNG ĐẤT – ổn định lâu dài – không có tranh chấp ở thời điểm điểm đăng ký quyền sử dụng đất đất.
- Khoản 2[5], Điều 38 Nghị định 181/2004/NĐ-CP quy định về Đăng ký quyền sử dụng đất, nêu rõ 02 trường hợp được đăng ký sử dụng đất lần đầu: 1/. Là Nhà nước giao đất, cho thuê đất và 2/. Người ĐANG SỬ DỤNG ĐẤT mà chưa được cấp giấy.
- Thông tư 1990/2001/TT-TCĐC ngày 30/11/2001 của Tổng cục địa chính hướng dẫn đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (do đại diện theo ủy quyền của UBND phường VH viện dẫn) cũng nêu tại tiểu mục 2 – Chương 2[6] Thông tư 1990/2001/TT-TĐC về diện tích được phép kê khai đăng ký quyền sử dụng đất, nêu rõ về diện tích đất được kê khai đăng ký quyền sử dụng đất là phần diện tích đất đang sử dụng.
- Trải qua các thời kỳ, Điều 100, Điều 101 Luật đất đai 2013; Điều 137 – Điều 138 Luật Đất đai 2024 đều quy định rõ về việc: Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư ĐANG SỬ DỤNG ĐẤT có giấy tờ về quyền sử dụng đất (Điều 100- Điều 137) và ĐANG SỬ DỤNG ĐẤT không có giấy tờ về quyền sử dụng đất (Điều 102 – Điều 138).
- Phần diện tích đất 281,7m2 gia đình ông NTH chưa bao giờ ĐANG SỬ DỤNG thì sao đủ điều kiện để đươc cấp giấy.
- Trong phần hỏi, vị đại diện VKS có hỏi tiền sử dụng đất hai gia đình đóng hàng năm có tương đương với diện tích đất sử dụng hay không. Xin thưa với HĐXX, vị đại diện VKS, tiền sử dụng đất của 02 nhà chỉ thu trên diện tích đất ở, phần đất nông nghiệp được miễn tiền sử dụng đất, nên số tiền sử dụng của cả hai nhà đầu bằng nhau.
-
Lý do thứ 3 để thu hồi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Nguyên đơn – ông NTH sai ranh giới thực tế
- Quy định pháp luật tại tiểu mục 2 – Chương 2 Thông tư 1990/2001/TT-TĐC của Tổng cục Địa chính đã nêu rất rõ: việc đo vẽ diện tích đăng ký cấp quyền sử dụng đất là toàn bộ diện tích ĐANG SỬ DỤNG của người sử dụng đất.
- Đến nay, theo hướng dẫn của Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT (văn bản do vị đại diện UBND thành phố HL viện dẫn) quy định rõ: Ranh, giới thửa đất được xác định theo hiện trạng ĐANG SỬ DỤNG, quản lý và chỉnh lý theo kết quả cấp Giấy chứng nhận, bản án của tòa án có hiệu lực thi hành, kết quả giải quyết tranh chấp của cấp có thẩm quyền, các quyết định hành chính của cấp có thẩm quyền có liên quan đến ranh giới thửa đất.
- …. Trường hợp tranh chấp chưa giải quyết xong trong thời gian đo đạc ở địa phương mà xác định được ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý thì đo đạc theo ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý đó; … đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập bản mô tả thực trạng phần đất đang tranh chấp thành 02 bản, một bản lưu hồ sơ đo đạc, một bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để thực hiện các bước giải quyết tranh chấp tiếp theo theo thẩm quyền.
- Phần sơ đồ thửa đất trong giấy chứng nhận vẽ phần đất đang sử dụng của gia đình bà Cà sang cho gia đình ông Hỷ (người không đang sử dụng đất, cũng không được Nhà nước giao thuê quyền sử dụng đất) là vi phạm quy định về việc cấp giấy cho người ĐANG SỬ DỤNG.
- Bộ luật dân sự, Điều 175[7] quy định: Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp…. Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.
- Điều 176 nêu: Trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.
- Từ hai quy phạm này, ta thấy: Ranh giới được xác định bởi thỏa thuận – bởi quyết định của cơ quan có thẩm quyền – theo tập quán – theo ranh giới đã tồn tại 30 năm trở lên không tranh chấp.
- Giữa hai gia đình chưa có thỏa thuận; Cơ quan nhà nước chưa ban hành quyết định. Tập quán chưa rõ ràng.
- Thực địa, trên đất có rất nhiều các mốc giới tồn tại lâu năm, kiên cố, dễ quan sát. Bản thân Gia đình ông Hỷ chủ động xây dựng tường rào, công trình theo đúng thực địa quản lý đất giữa hai gia đình.
- Áp dụng Điều 176 vừa nêu thì đó là ranh giới thực địa giữa hai thửa đất là tường rào do chính nhà ông Hỷ xây dựng – đó là ranh giới mà 2 gia đình – các cơ quan pháp luật phải tôn trọng.
- Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét nội dung Án lệ số 33/2020/AL về trường hợp cá nhân được nhà nước giao đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài – Ban hành theo Quyết định số 50/QĐ-CA của Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 25/02/2020.
- Theo đó, tình huống của án lệ nêu rõ: Cá nhân được Nhà nước cấp đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài từ khi được giao đất. Trong quá trình sử dụng đất, người này đã tôn tạo đất, xây dựng nhà ở ổn định mà người được cấp đất không có ý kiến gì.
- Giải pháp pháp lý được đưa ra là: Trường hợp này, Tòa án không chấp nhận yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất.
- Nội dung án lệ thể hiện: Mặc dù cụ U là người được cấp đất, nhưng sau khi được cấp đất cụ U đã không sử dụng đất mà cho ông T2 sử dụng từ năm 1975 đến nay. Quá trình sử dụng đất, do đất cụ U được cấp là đất vũng nên gia đình cụ C1 và ông T2 đã phải thuê người vượt lấp để tôn nền, xây dựng và sửa chữa nhà nhiều lần, cụ U và ông H đều biết việc vượt lấp, sửa chữa và xây dựng nhà nhưng không có tranh chấp.
- Như vậy, cụ U là người được giao đất, nhưng cụ U không sử dụng mà cho ông T2 quản lý, sử dụng thửa đất này từ sau Khi cụ U được giao đất (năm 1974) đến nay.
- Việc cụ U không sử dụng đất nhưng có tên trên Bản đồ giải thửa 299 và sổ mục kê năm 1982 là không chính xác và không phải là căn cứ để xác định cụ U là chủ sử dụng hợp pháp đối với thửa đất này.
- Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào việc cụ U được cấp đất để xác định thửa đất tranh chấp là của vợ chồng cụ U để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và trích một phần công sức cho ông T2 là không đúng”.
- Áp dụng vào vụ án này, gia đình ông Hỷ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng không sử dụng, trong quá trình sử dụng biết gia đình ông Cậy bà Cà trồng, khai thác, quản lý cây trồng lâu năm trên đất một cách công khai, ngay tình, ổn định và lâu dài từ 1976 đến nay; nhưng ông Hỷ không phản đối. Việc ông Hỷ có tên trên bản đồ đo vẽ không phải là căn cứ để xác định là chủ sử dụng đất hợp pháp đối với phần diện tích đất này.
- Bản thân, giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất của hai gia đình do UBND thành phố HL cũng có nội dung ghi rõ: đất được hợp thức hóa theo bản đồ địa chính. Khi cải tạo, xây dựng phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
-
Như vậy, phần ranh giới đúng đắn trên thực địa, tồn tại ổn định lâu dài mới là đối tượng được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
-
Lý do thứ 4 để không chấp nhận sơ đồ thửa đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Hỷ là KHÔNG ĐÚNG VỚI NGUỒN GỐC SỬ DỤNG.
-
Gia đình ông Hỷ là từ việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (mua từ chủ cũ (ông Tư Bê cùng con dâu)). Hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Hỷ có giấy tờ mua bán viết tay ngày 20/10/1992 giữa ông Hỷ với ông Tư Bê, cùng con dâu bà Phạm Hồng – phù hợp với nguồn gốc mua bán nêu trên.
-
Tại phần sơ họa thửa đất, đường giáp ranh với nhà ông Cậy, ông Tư không mô tả đường ranh giới thẳng mà có sự cong lõm tại từng vị trí – khác xa với sơ đồ đã thể hiện trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Hỷ – bà Hương (là một nét thẳng).
-
Tại phiên tòa không triệu tập lấy ý kiến của ông Tư Bê làm rõ ranh giới theo sơ họa và diện tích đất lúc chuyển bán cho gia đình ông NTH là một thiếu xót.
-
Mặt khác, UBND phường VH và UBND thành phố HL đã nêu rõ: từ khi mua bán nhận lại từ ông Tư Bê đến khi cấp giấy chứng nhận nhận cho gia đình ông Hỷ – Cơ quan nhà nước không nhận được bất kỳ tranh chấp khiếu kiện nào.
-
Như vậy, trước đó gia đình ông Tư Bê cũng không có tranh chấp với gia đình ông Cậy – bà Cà. Ranh giới tư nhiên giữa hai nhà như thế nào thì hai bên vẫn tôn trọng duy trì. Tại sao đến khi ông Hỷ mua lại phát sinh tranh chấp về ranh giới?.
-
Mặt khác, theo hồ sơ nguồn gốc của sử dụng đất của gia đình ông Cậy – bà Cà thể hiện trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thời điềm sử dụng đất của gia đình Bị đơn được kéo dài từ những năm 1977 cho đến tận ngày nay – kéo dài lên tận 47 năm.
-
Cho thấy phần ranh giới, mốc giới giáp ranh trên thực địa (giữa hai gia đình ông Cậy bà Cà với gia đình ông Tư Bê sau này là ông Hỷ) là ổn định, lâu dài, không có tranh chấp.
-
Theo quy định của Điều 236[8] Bộ luật Dân sự 2015, với thời gian chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai trên 30 năm đối với bất động sản, thì dù không có căn cứ pháp luật thì gia đình Bị đơn – bà Cà vẫn có quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản (là toàn bộ thửa đất nói chung và phần đất tranh chấp 281,7m2 nói riêng). Pháp luật nói chung và Cơ quan Tòa án nói riêng có trách nhiệm phải công nhận và bảo vệ.
KÍNH THƯA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ, VỊ ĐẠI DIỆN VIỆN KIỂM SÁT
Thưa những người có mặt tại phiên tòa ngày hôm nay
Tôi đã trình bày 04 lý do và các căn cứ pháp lý, chứng lý cho việc hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Nguyên đơn; cũng như sự vô căn cứ trong yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.
Tôi đề nghị vị đại diện Nguyên đơn nghe rõ để đối đáp
Trước khi kết thúc phần tranh luận, tôi muốn quay lại ý đầu tiên khi trình bày với HĐXX là tại sao: ngay từ đầu Nguyên đơn rất “hào phóng” đưa ra phương án chia đôi mỗi nhà một nửa?. Bởi vì ý thức họ biết rõ đất không phải của họ. Họ được toàn bộ hay một nửa cũng là được nên họ dễ thỏa hiệp.
- Còn bị đơn – bà Cà dù là mất tất hay mất một nửa thì vẫn là mất. Nếu đất đó là mồ hôi xương máu, công sức hay kỷ niệm thương nhớ về bố, mẹ gia đình mình – Nguyên đơn có dễ dàng thỏa hiệp như vậy không? – đó là sự “xảo biện” của phía Nguyên đơn.
- Trong vụ án này, còn đang lưu ý hơn là các ý kiến của 02 vị đại diện chính quyền (UBND phường VH và thành phố HL). Với tôi đánh giá là vô cảm, vô hồn, trốn tránh trách nhiệm của mình khi làm sai cho dân.
- UBND phường VH, UBND thành phố HL trong quá trình tham gia giải quyết vụ án liên tục có lời khai rằng: ranh giới trên các hồ sơ cấp giấy (biên bản thực địa ..v.v) đúng với thực địa.
- Nhưng ranh giới đó là do Chính quyền – người của chính quyền đo vẽ, tạo lên theo những quy trình, quy chuẩn chuyên môn phức tạp mà không phải người dân nào cũng biết.
- Bản thân họ tại phiên tòa lời lẽ luôn muốn đẩy trách nhiệm sai sót là do người dân; Nếu đúng với thực địa, sao đất của NGƯỜI ĐANG SỬ DỤNG lại trong giấy chứng nhận cấp cho NGƯỜI CHƯA TỪNG SỬ DỤNG?.
- Nếu đúng ranh giới thực địa, tại sao trong sổ phải ghi rõ “hợp thực hóa theo bản đồ”?. Sao vị đại diện UBND thành phố HL tại buổi hòa giải lại nói rành rọt là không đo vẽ hết, phải cấp theo bản đồ?.
- Nghiêm trọng hơn, đại diện UBND thành phố HL – bà Yến còn xét lại việc gia tăng diện tích đất khi nhà bà Cà có sự gia tăng từ diện tích đất xin cấp làm nhà đến diện tích theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (5.072m2 đất). Theo đó, đại diện UBND thành phố HL khẳng định nếu bà Cà không có tài liệu chứng minh phần đất tranh chấp do gia đình quản lý từ trước năm 2003 thì đề nghị tuyên đất tranh chấp là của Nguyên đơn.
- Tại sao lại có ý kiến vô căn cứ và trái pháp luật như vậy?. Căn cứ nào công nhận quyền sử dụng đất cho NGƯỜI CHƯA TỪNG SỬ DỤNG ĐẤT – ông NTH?.
- Chưa kể, với sự thực tế quản lý đất ổn định, lâu dài từ suốt năm 1977 đến nay, gia đình bà Cà không có giấy tờ – Nhà nước vẫn phải công nhận quyền sử dụng đất cho gia đình. Cụ thể:
- Điều 135, Luật đất đai 2024 quy định: trường hợp chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu trên giấy tờ mà ranh giới không thay đổi so với ranh giới tại thời điểm có giấy tờ thì cấp đổi với diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế.
- Trường hợp có sự thay đổi ranh giới thì Điều 24, Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi sử dụng ổn định, lâu dài.
Một lần nữa, tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện phi lý của Nguyên đơn ông NTH. Đề nghị người đại diện của Nguyên đơn – tranh luận phản biện đúng, đủ các nội dung mà tôi đã trình bày ở trên.
———
[1] Điều 152. Đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận đã cấp
- Nhà nước thu hồi giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau đây:
- d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm cấp giấy chứng nhận;
[2] 1. Trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đề nghị này có phải là yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập không?
Trong trường hợp này, cần xác định ĐỀ NGHỊ HỦY GIẤY chứng nhận quyền sử dụng đất LÀ YÊU CẦU CỦA ĐƯƠNG SỰ, nhưng không phải là yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập. Khi giải quyết vụ việc dân sự liên quan đến việc hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải được Tòa án xem xét giải quyết trong cùng một vụ việc dân sự theo quy định tại Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[3] 1. Trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đề nghị này có phải là yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập không?
Trong trường hợp này, cần xác định đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là yêu cầu của đương sự, nhưng không phải là yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập. Khi giải quyết vụ việc dân sự liên quan đến việc hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải được Tòa án xem xét giải quyết trong cùng một vụ việc dân sự theo quy định tại Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[4] Điều 152. Đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận đã cấp
- Nhà nước thu hồi giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau đây:
- d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm cấp giấy chứng nhận;
[5] Điều 38. Đăng ký quyền sử dụng đất
- Đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu được thực hiện trong các trường hợp sau:
- a) Được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng;
- b) Người đang sử dụng đất mà thửa đất đó chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
[6] Chương2: ĐỐI TƯỢNG KÊ KHAI ĐĂNG KÝ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
- Diện tích đất kê khai đăng ký quyền sử dụng đất.
- a) Người sử dụng đất có trách nhiệm kê khai toàn bộ diện tích đất đang sử dụng, đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, cho thuê sử dụng; kể cả diện tích đất cho người khác thuê, mượn, diện tích đất chưa đưa vào sử dụng, diện tích đất sử dụng đang có tranh chấp với người khác, diện tích đất của các tổ chức giao cho cán bộ công nhân viên làm nhà ở nhưng chưa bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.
[7] Điều 175. Ranh giới giữa các bất động sản
- Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.
Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.
[8] Điều 236. Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật
Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.