Chuẩn bị ly hôn – 5 hành động cần thực hiện

Ly hôn là một quyết định phức tạp, gây ảnh hưởng đến rất nhiều đến tâm lý, tình cảm, hoàn cảnh sống và tài sản của mỗi thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, vì đời sống hôn nhân không còn tình cảm, duy trì quan hệ vợ chồng chỉ càng làm đôi bên đau khổ, nên con người ta vẫn chọn đến phương án ly hôn, chấm dứt quan hệ vợ chồng.

Để đảm bảo quyền lợi của bản thân và cho con cái, việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi nộp đơn ly hôn là vô cùng quan trọng. Bài viết này Công ty Luật Hoa Long sẽ hướng dẫn các bước chuẩn bị cần thiết để bạn đối mặt với quá trình này.

Việc chuẩn bị ly hôn số 1: Chuẩn bị cho việc chứng minh lý do ly hôn

Khi muốn ly hôn, việc chứng minh lý do là bước đầu tiên. Theo quy định của Điều 56 Luật Hôn nhân gia đình 2014, Tòa sẽ giải quyết cho vợ chồng ly hôn khi:

  • Cả hai bên tự nguyện đồng thuận việc ly hôn; Hoặc,
  • Một bên chứng minh được có bạo lực gia đình, vi phạm nghĩa vụ chồng vợ làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

Trường hợp hai bên tự nguyện đồng thuận ly hôn thì Tòa dễ xem xét. Còn nếu rơi vào trường hợp hai, thì bạn nên chứng minh theo các cách sau đây:

a. Hôn nhân không hòa hợp

Nếu cuộc sống hôn nhân không còn tình yêu và sự hòa hợp, bạn cần chứng minh điều này thông qua các tài liệu như nhật ký, email, tin nhắn hoặc lời khai từ người thân, bạn bè. Các bằng chứng về những cuộc xung đột, mâu thuẫn thường xuyên sẽ giúp củng cố yêu cầu ly hôn.

b. Mâu thuẫn gia đình

Trong trường hợp vợ chồng xảy ra xung đột về tài chính, lối sống hoặc không thể thỏa hiệp, những bằng chứng về các tranh cãi, bất đồng hoặc hành vi bạo lực gia đình: lời khai của hàng xóm láng giếng, người thân nội ngoại, bạn bè hai bên hoặc ghi âm, ghi hình về sự việc mâu thuẫn .v.v.

c. Ngoại tình và vi phạm nghĩa vụ vợ chồng

Nếu lý do ly hôn là do một trong hai bên ngoại tình hoặc không thực hiện đúng nghĩa vụ vợ chồng, bạn cần thu thập bằng chứng như hình ảnh, tin nhắn, video hoặc lời khai nhân chứng để chứng minh hành vi này. Luật pháp Việt Nam xem việc ngoại tình là hành vi vi phạm nghĩa vụ chung thủy giữa vợ và chồng.

Các bằng chứng chứng minh một bên vợ hoặc chồng vi phạm pháp luật, gây tổn hại đến đời sống gia đình như: đánh bạc, vay nợ chi tiêu cá nhân .v.v cũng là căn cứ để tòa xét việc ly hôn.

Lý do dẫn đến ly hôn là một căn cứ quan trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến việc quyết định quyền nuôi, chăm sóc con chung, cũng như việc phân chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn.

chuẩn bị ly hôn

Việc chuẩn bị ly hôn số 2: Xác định phương án nuôi dưỡng con Chung

Phân chia quyền nuôi con là một vấn đề nhạy cảm, rất khó để lượng hóa, tính toán đúng sai trong trường hợp này. Việc chuẩn bị các yếu tố chứng minh cho khả năng nuôi dạy cho con, tâm tư, tình cảm, sinh lý giới tính của con là điều cần thiết để giải quyết vấn đề nuôi dưỡng con chung.

a. Chứng minh thu nhập và dự liệu điều kiện sinh sống sau ly hôn.

Bạn cần chuẩn bị các giấy tờ chứng minh thu nhập, tài sản, và điều kiện sống của mình như bảng lương thưởng thu nhập đều kỳ, giấy tờ sở hữu nhà cửa, sổ tiết kiệm, tài liệu liên quan đến các khoản đầu tư hoặc kinh doanh. Điều này nhằm thuyết phục tòa án rằng bạn có đủ khả năng tài chính để nuôi dưỡng con.

Hoặc bố mẹ, người thân, bạn bè có ý kiến trợ giúp về nơi ăn chốn ở, các điều kiện về đưa đón, chu cấp tiền bạc cũng là căn cứ quan trọng cho Tòa quyết định việc giao con cho ai nuôi dưỡng, chăm sóc trực tiếp.

Và, ngược lại bạn cũng có thể thu thập chứng cứ chứng minh bên vợ hoặc chồng của mình có thu nhập thấp, điều kiện công việc, nơi ăn chốn ở không phủ hợp để nuôi dưỡng con cái sau ly hôn.

Bên cạnh, đó bạn cũng nên xác định nghĩa vụ cấp dưỡng của một bên bố hoặc mẹ đối với con cái khi không trực tiếp nuôi dưỡi. Nhiều người cho rằng mình không yêu cầu cấp dưỡng, nhưng đó là quyền lợi của con cái và cũng là căn cứ thực hiện trách nhiệm của bố mẹ với con cái.

b. Hỏi ý kiến và chuẩn bị tâm lý con cái

Theo quy định của Điều 51 Luật Hôn nhân gia đình 2014, trường hợp vợ đang có thai hoặc có con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn. Việc ly hôn và phân chia con chung chỉ được thực hiện khi con trên 12 tháng tuổi.

Điều 81, Luật hôn nhân gia đình quy định: Con dưới 36 tháng tuổi sẽ giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện để nuôi dưỡng, chăm sóc. Và con từ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyệt vọng của con khi bố mẹ ly hôn.

Như vậy việc hỏi ý kiến con cái được đặt ra khi con từ đủ 7 tuổi trở lên.

Ngoài câu chuyện hỏi con cái về nguyện vọng ở với bố hay mẹ, thì bạn cũng cần chuẩn bị tâm lý tình cảm, sự thích ứng của con cái với thay đổi hoàn cảnh gia đình, chia tách anh, chị em khi bố mẹ ly hôn.

Hình thức hỏi ý kiến bạn có thể hỏi trực tiếp con cái tại gia đình hoặc tại tòa án, ghi âm ghi hình, nhờ người thân giúp đỡ hoặc lập vi bằng nếu e ngại việc đưa con cái đến tòa án.

Nói chung, bố mẹ ly hôn con cái là khổ nhất. Bạn suy tính và chuẩn bị thật kỹ tâm lý cho con.

Việc chuẩn bị ly hôn số 3: Xây dựng phương án chia tài sản chung

Tài sản chung của vợ chồng là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải có sự thống kê và chứng minh rõ ràng.

a. Xác định và thống kê tài sản chung vợ chồng

Theo quy định của Điều 105, Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; bao gồm bất động sản – động sản (đã hình thành hoặc hình thành trong tương lai).

Bạn cần xác định và thống kê toàn bộ tài sản chung của vợ chồng, bao gồm nhà cửa, đất đai, xe cộ, tài sản kinh doanh, và các khoản tiết kiệm. Tài liệu chứng minh như sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), giấy tờ mua bán, hóa đơn mua sắm tài sản sẽ là cơ sở để xác định giá trị tài sản.

Một trong những nội dung khó của việc xác định, thống kê tài sản vợ chồng đó là việc che dấu tài sản của một bên vợ hoặc chồng. Khi đó, bạn phải có những nghiệp vụ pháp lý nhận định để xác minh thu thập tài liệu pháp lý có giá trị chứng minh về tài sản.

Về nguyên tắc, Điều 33 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định tất cả các tài sản do vợ chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung vợ chồng.

thời kỳ hôn nhân là khoản thời gian từ kết hôn đến khi ly hôn – chấm dứt quan hệ vợ chồng

Vì vậy, việc chứng minh tài sản chung vợ chồng chịu tác động rất lớn bởi yếu tố: thời điểm phát sinh tài sản hoặc quyền đối với tài sản.

b. Phân chia nghĩa vụ nợ chung

Bên cạnh các tài sản có, các tài sản nợ (nghĩa vụ chung) của vợ chồng cũng có thể được đưa ra để yêu cầu chia. Điều 37 Luật Hôn nhân gia đình 2017 xác định nghĩa vụ chung của vợ chồng gồm có:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập;
2. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
3. Nghĩa vụ thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
4. Nghĩa vụ từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
5. Nghĩa vụ để duy trì khối tài sản chung;
6. Nghĩa vụ bồi thường do con gây ra.

Trường hợp này cũng nhiều tình huống phức tạp phát sinh ra.

c. Xây dựng phương án chia tài sản chung vợ chồng

Về nguyên tắc chung, Điều 59 Luật Hôn nhân gia đình và hướng dẫn chi tiết tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP đều khẳng định phương án chia đôi tài sản chung vợ chồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ chia đôi (50-50) cũng có thể thay đổi nếu có các yếu tố ảnh hưởng như:

1. Hoàn cảnh gia đình của vợ, chồng;
2. Công sức đóng góp của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển tài sản chung;
3. Quyền lợi chính đáng mỗi bên để duy trì sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp.
4. lỗi vi phạm của mỗi bên (vợ chồng) trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Lúc này các bằng chứng chứng minh về lỗi, vi phạm của một bên vợ chồng sẽ phát huy giá trị trong việc yêu cầu phần hơn khi chia tài sản chung vợ chồng. Khi đó, tùy theo đánh giá của Tòa án tỷ lệ phân chia có thể thay đổi là 60:40 – 65:35 – 70:30 .v.v.

Việc chuẩn bị ly hôn số 4: Phương Án để yêu cầu Ly Hôn

Phương án ly hôn là nội dung yêu cầu Tòa án về việc giải quyết ly hôn giữa vợ chồng. Hiện tại Pháp luật có quy định 02 hình thức yêu cầu ly hôn. Gồm:

a. Ly hôn thuận tình

Trong trường hợp hai vợ chồng đồng thuận ly hôn, bạn cần cùng nhau xây dựng một phương án phân chia tất cả các vấn đề gồm: tài sản, con cái và nợ (nghĩa vụ tài chính) chung của vợ chồng. Chuẩn bị các thỏa thuận bằng văn bản sẽ giúp tòa án xét xử nhanh chóng hơn.

Thời gian giải quyết thuận tình ly hôn trung bình chỉ từ 25 – 30 ngày.

b. Ly hôn đơn phương

Nếu không đạt được sự thỏa thuận, bạn sẽ phải chuẩn bị kỹ hồ sơ chứng cứ và nộp đơn ly hôn đơn phương. Các bằng chứng về mâu thuẫn, hành vi sai trái của bên kia sẽ đóng vai trò quyết định trong việc giải quyết ly hôn.

Thời gian giải quyết vụ án ly hôn đơn phương mà có nhiều nội dung tranh chấp (tình cảm, con chung, tài sản chung) thì thời hạn kéo dài từ 6-8 tháng cho 1 vòng sơ thẩm và từ 4- 6 tháng cho 1 vòng phúc thẩm – dài hơn rất nhiều so với thủ tục thuận tình.

Việc chuẩn Bị ly hôn số 5: Phương Án Trao Đổi giữa Vợ, Chồng và con cái

Việc trao đổi, thỏa thuận trước khi nộp đơn ly hôn có thể giảm thiểu xung đột và đẩy nhanh quá trình giải quyết. Bạn cần chuẩn bị tinh thần và chiến lược trao đổi rõ ràng, tránh để cảm xúc chi phối dẫn đến tranh cãi không cần thiết; đồng thời cũng chuẩn bị cho con cái những sự ổn định trong tâm lý khi bố mẹ ly hôn.

Việc chuẩn bị ly hôn số 6: phương án tham gia tố tụng tại Tòa án

Do án ly hôn pháp luật không cho phép vợ chồng ủy quyền cho người khác tham gia. Vì vậy, vợ – chồng phải chuẩn bị sắp xếp thời gian để tham gia tố tụng tại tòa án.

Hãy đảm bảo rằng mọi giấy tờ liên quan đến tài sản, con cái, và lý do ly hôn đều được chuẩn bị đầy đủ trước khi đến tòa.

Hoặc, bạn cũng có thể giải quyết trước vấn đề tình cảm khi ly hôn. Còn việc tranh chấp tài sản bạn có thể ủy quyền cho người khác trong một vụ án khác.

Việc chuẩn bị ly hôn số 7: Thuê/nhờ Luật Sư Hỗ Trợ Pháp Lý

Việc thuê luật sư chuyên nghiệp là điều cần thiết, đặc biệt khi ly hôn có tranh chấp về tài sản và con cái. Luật sư sẽ giúp bạn chuẩn bị hồ sơ, đại diện tại tòa, và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bạn. Ngoài ra, họ còn có thể hỗ trợ đàm phán với bên kia để đạt được kết quả có lợi nhất.

Trong vụ án ly hôn, các bên đương sự có ảnh hưởng rất nhiều của vấn đề tình cảm. Việc có một người đồng hành, ngoài cuộc tỉnh táo phán xét đánh giá sẽ giúp rất nhiều cho vợ – chồng khi giải quyết ly hôn.

Kết Luận

Chuẩn bị cho quá trình ly hôn là một việc cần sự kỹ lưỡng và chu đáo. Việc thu thập bằng chứng, thống kê tài sản, chứng minh khả năng nuôi dạy con cái, và chuẩn bị cho các tình huống tranh chấp sẽ giúp bạn có được sự chuẩn bị tốt nhất khi đối diện với tòa án.

Hãy cân nhắc việc thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi của mình trong suốt quá trình này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Đọc thêm

Cùng chủ đề