TỐ GIÁC TỘI PHẠM LÀ GÌ?
Trước đây, Tố giác tội phạm được định nghĩa rõ tại khoản 1 Điều 3, Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, là thông tin về hành vi có dấu hiệu tội phạm do cá nhân có danh tính, địa chỉ rõ ràng cung cấp cho cơ quan, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết.
Đến nay, Thông tư 06 đã hết hiệu lực. Tại Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Tố giác tội phạm được định nghĩa tại khoản 1, Điều 144 là: việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
Từ định nghĩa này của Luật, bạn có thể rút ra các đặc điểm cụ thể sau:
TỐ GIÁC TỘI PHẠM- ĐẶC ĐIỂM PHÁP LÝ CẦN BIẾT?
1- Cá nhân tố giác tội phạm không cần có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến hành vi tội phạm mà mình tố giác.
Trước đây, trong quá trình đại diện cho khách hàng thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong vụ án hình sự, trong đó có quyền tố giác tội phạm. Tôi đã bắt gặp quan điểm cho rằng người tố giác tội phạm phải là người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội mà mình tố cáo.
Tuy nhiên, đấy là quan điểm trái luật. Bộ luật tố tụng hình sự cho phép bất kỳ cá nhân nào cũng đều được tố giác, hỗ trợ cơ quan Nhà nước đấu tranh với tội phạm. Vì vậy, trong nhiều trường hợp người đại diện theo ủy quyền, Luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm là có quyền trực tiếp tố giác.
2- Tố giác khi cho rằng có dấu hiệu của tội phạm
Việc tố giác tội phạm có thể được thực hiện ngay khi bạn cho rằng có dấu hiệu của tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm là dựa vào nhận thức suy nghĩ của người tố giác tại thời điểm trình báo với Cơ quan có thẩm quyền.
Sự việc sau đó sẽ được Cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh làm rõ và kết luận trả lời cho người tố giác rằng có hành vi tội phạm hay không. Trường hợp kết luận không phải tội phạm thì bạn cũng không phải chịu trách nhiệm pháp lý gì. Tuy nhiên, nếu bạn không dừng ở đó, vẫn tiếp tục rêu rao sự việc, nhằm làm sai sự thật gây ảnh hưởng đến uy tín danh dự của người khác thì có thể bị xem xét ở tội danh vu khống.
3 – Cơ quan có thẩm quyền có thể là bất kỳ Cơ quan tổ chức nào trong xã hội
Bạn cần phân biệt giữa thẩm quyền tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tin báo tội phạm. Tại khoản 1, Điều 144 Bộ luật tố tụng Hình sự, việc tố cáo chỉ được quy định chung là đến cơ quan có thẩm quyền mà không nêu rõ có thẩm quyền trong việc gì.
Trong khi trách nhiệm tiếp nhận tin báo thì Pháp luật đặt trách nhiệm cho tất cả các cơ quan tổ chức trong xã hội. Thực tế việc viết đơn thư tố giác tội phạm cũ có thể được gửi tới nhiều cơ quan như các cơ quan quản lý hành chính (Ủy ban, Hội đồng nhân dân, Thanh tra .v.v) các cơ quan Báo đài truyền hình hoặc thậm trí là các Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế.
Các cơ quan tiếp nhận tin báo có trách nhiệm gửi thông tin tố giác tội phạm đến Cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
CƠ QUAN GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC TỘI PHẠM
Cơ quan có trách nhiệm giải quyết tội phạm là khối các Cơ quan điều tra trong Công an, Quân đội và Viện kiểm sát. Tùy từng tính chất phạm tội mà mỗi cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền khác nhau.
Trên thực tế, Cơ quan Điều tra thuộc Công an nhân dân được biết đến nhiều hơn với vai trò là một cơ quan giải quyết các tố giác tội phạm phát sinh trong đời sóng xã hội.
Còn Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát thường điều tra đối với các tội phạm về chức vụ thuộc bộ máy Nhà nước. Và trong Quân đội thì áp dụng đối với các đối tượng là quân nhân.
THỦ TỤC GIẢI QUYẾT NỘI DUNG TỐ GIÁC TỘI PHẠM
Việc tố giác và giải quyết tố giác tội phạm được thực hiện theo trình tự thủ tục như sau:
Bước 1: Công dân/tổ chức cung cấp thông tin về dấu hiệu tội phạm. Hình thức cung cấp thông tin có thể là trực tiếp đến trình báo hoặc gửi đơn thư văn bản đến cơ quan có thẩm quyền .
Bước 2: Cơ quan tổ chức tiếp nhận thông tin về dấu hiệu tội phạm chuyển thông tin đến cơ quan Điều tra cấp có thẩm quyền.
Bước 3: Cơ quan Điều tra tiếp nhận tin báo tội phạm, phân loại tin báo, phân công cán bộ giải quyết nếu thuộc thẩm quyền.
Quyết định phân công phải gửi tới Viện kiểm sát và trong thời hạn luật định Viện Kiểm sát phải phân công Kiểm sát viên kiểm sát việc giải quyết tin báo.
Bước 4: Cơ quan Điều tra xác minh, kiểm tra sự việc bị tố giác trong thời gian 20 ngày hoặc tối đa là 2 tháng. Trường hợp cần thiết Viện kiểm sát có thể gia hạn thêm 02 tháng nữa.
Bước 5: Quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự: Cơ quan Điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hoặc không khởi tố vụ án.
Quyết định của Cơ quan Điều tra về việc khởi tố phải gửi tới Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp. Trường hợp Viện kiểm sát không đồng ý với kết quả giải quyết của Cơ quan Điều tra, có quyền thay đổi và Cơ quan Điều tra phải chấp hành quyết định của Viện Kiểm sát.
Bước 6: Thông báo kết quả xác minh tin báo tội phạm: Cơ quan Điều tra phải thông báo cho cá nhân, tổ chức đã cung cấp và tố giác tội phạm. Trường hợp không đồng ý với quyết định của Cơ quan Điều tra, người tố giác tội phạm có thể thực hiện quyền khiếu nại.
MỘT SỐ KINH NGHIỆM KHI TỐ GIÁC TỘI PHẠM
Khi tiến hành tố giác tội phạm, bạn cần phân tích xem đối tượng mình tố giác là ai, lượng thông tin và chứng cứ chứng minh cho nội dung tố giác của mình là bao nhiêu.
Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể áp dụng 1 số kinh nghiệm sau:
1/. Tiến hành mở rộng phạm vi các cơ quan tiếp nhận tin báo tội phạm của bạn. Điều này sẽ giúp nội dung tố giác của bạn được quan tâm giải quyết sát sao hơn.
2/. Gửi đơn tố giác tội phạm đến cả Cơ quan Điều tra và Viện kiểm sát để yêu cầu giải quyết. Việc này nhằm phòng tránh việc Cơ quan Điều tra do nhiều đơn thư mà sao nhãng thời gian giải quyết đơn thư tố giác của bạn.
3/. Theo dõi thời gian và thời hạn giải quyết nội dung tố giác tội phạm của các cơ quan có trách nhiệm giải quyết tin báo tội phạm. Trong nhiều trường hợp, việc tuân thủ thời gian thời hạn giải quyết được quy định trong Luật tố tụng Hình sự không được tuân thủ chặt. Khi đó bạn cần có biện pháp đôn đốc, kiến nghị, khiếu nại kịp thời.
4/. Cung cấp đầy đủ các tài liệu chứng cứ có được để cung cấp cho Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tin báo tội phạm để chứng minh nội dung tin báo là có căn cứ và đúng sự thật.
5/. Nên thuê Luật sư để thực hiện tốt nhất các quyền và nghĩa vụ trong quá trình tố giác tội phạm tới các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
6/. Trường hợp vụ việc chưa rõ ràng, nhưng phát hiện được một trong nhiều dấu hiệu của tội phạm, hay thực hiện quyền tố giác. Vì sau khi tố giác Cơ quan Điều tra sẽ điều tra xác minh làm rõ giúp bạn. Nếu chỉ là vụ việc dân sự, bạn cũng có thể sử dụng kết quả điều tra xác minh của Cơ quan Công an để tham gia tố tụng tại Tòa án.