Dự án công tư (Dự án PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Hết thời gian của hợp đồng dự án (hoặc hết thời gian của dự án), công trình hạ tầng sẽ được chuyển giao lại cho Nhà nước. Bài viết sau đây của Luatsutre sẽ giúp bạn hiểu được cách Nhà nước nhận chuyển giao lại tài sản hình thành từ dự án PPP như thế nào.
Đọc thêm:
Dự án đầu tư trong pháp luật Việt Nam
Dịch vụ tư vấn pháp luật đầu tư tại Quảng Ninh
Hướng dẫn Đầu tư Chứng khoán cho người mới bắt đầu
HÌNH THỨC CHUYỂN GIAO TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG DỰ ÁN PPP
Theo quy định của Luật quản lý tài sản công 2017, các tài sản hình thành từ dự án PPP đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được chuyển giao lại cho Nhà nước theo hình thức giao hoặc điều chuyển.
TRÌNH TỰ CHUYỂN GIAO TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG DỰ ÁN PPP
Bước 1: Đăng công báo công khai việc chuyển giao tài sản, thủ tục, thời hạn thanh lý hợp đồng, thanh toán các khoản nợ.
Bước 2: Tổ chức giám định chất lượng, giá trị, tình trạng thỏa thuận theo Hợp đồng dự án.
Bước 3: Lập danh mục tài sản chuyển giao
Bước 4: Lập biên bản xác định các hư hại tài sản (nếu có).
Bước 5: Lập ký Biên bản chuyển giao tài sản
Bước 6: Lập hồ sơ trình quyết định việc xác lập quyền sở hữu toàn dân. Hồ sơ gồm:
– Tờ trình
– Bảng kê
– Biên bản nhận chuyển giao tài sản
– Tài liệu khác chứng minh tài sản
Bước 7: Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản
Bước 8: Lập phương án xử lý tài sản.
Nội dung Phương án gồm các vấn đề sau:
a) Thông tin về tài sản: Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản (số, ngày, tháng, năm, cơ quan ban hành), chủng loại, số lượng, chất lượng tài sản, nguồn gốc xuất xứ, năm sản xuất, nước sản xuất…
b) Giá trị tài sản (nếu có).
Riêng đối với tài sản xử lý theo hình thức giao hoặc Điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng thì đơn vị lập phương án xử lý tài sản phải thành lập Hội đồng định giá để xác định giá trị tài sản ghi vào phương án. Chủ tịch Hội đồng là thủ trưởng của đơn vị lập phương án và đại diện: Cơ quan tài chính (nơi có tài sản), cơ quan tiếp nhận (nếu có), cơ quan chuyên môn có liên quan.
c) Hình thức xử lý phù hợp với từng loại tài sản:
– Giao hoặc Điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng. Việc giao hoặc Điều chuyển tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng phải căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật và chỉ áp dụng đối với: Nhà, đất; xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy, máy móc, thiết bị và các tài sản khác có tỷ lệ chất lượng còn lại từ 50% trở lên;
d) Cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp xử lý. Trong đó, cơ quan chủ trì xử lý tài sản là cơ quan ký hợp đồng đối tác công tư.
đ) Thời hạn xử lý.
e) Chi phí xử lý.
g) Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản.
h) Các nội dung khác (nếu có).
Bước 9: Phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
Bước 10: Tổ chức xử lý tài sản
– Chuyển giao tài sản và các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến tài sản.
– Lập biên bản.
– Hạch toán tăng tài sản hoặc ghi tăng vốn nhà nước đầu tư của Nhà nước.
Kết thúc quá trình chuyển giao./.